Đào Ngạn quyết tâm "cán đích" nông thôn mới năm 2017

Đào Ngạn quyết tâm "cán đích" nông thôn mới năm 2017
Đến hết tháng 7/2017, xã Đào Ngạn (Hà Quảng) đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM); 8 tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó và cần rất nhiều vốn. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, xã đang tập trung huy động các nguồn lực, phấn đấu “cán đích” NTM vào cuối năm 2017.
Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của ông Đàm Văn Lịch đang được xã Đào Ngạn xúc tiến thành lập hợp tác xã, tiến tới hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất.
Xã Đào Ngạn được huyện Hà Quảng chọn là xã điểm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2011 - 2016 và được tỉnh chọn là 1 trong 4 xã về đích NTM vào năm 2017. Trong quá trình triển khai, xã đã được Nhà nước hỗ trợ 13 tỷ 627,5 triệu đồng nhựa hóa, bê tông hóa 12,5 km đường liên thôn; tu sửa, nâng cấp 2,5 km mương thủy lợi... Nhân dân trong xã hiến 30.677 m2 đất, đóng góp 120 triệu đồng, 12.027 ngày công lao động. Kết quả, sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình, từ một xã xuất phát điểm thấp chỉ đạt 4/19 tiêu chí NTM, đến nay diện mạo nông thôn của Đào Ngạn đã có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Hiện xã đạt 11/19 tiêu chí NTM, gồm: quy hoạch, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.
Chủ tịch UBND xã Đào Ngạn Hoàng Thị Ngọc cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ, mục tiêu cấp thiết và lâu dài, có tác động quan trọng đến mọi mặt của đời sống nhân dân, hằng năm, xã tập trung cao độ cho việc triển khai, thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí khó. Song, do thiếu vốn, địa phương không có nguồn đối ứng nên xã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các tiêu chí còn lại, gồm: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế.
 Để thực hiện 8 tiêu chí trên, xã cần hơn 58 tỷ đồng. Đơn cử, để thực hiện tiêu chí giao thông, xã cần trên 7 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, cải tạo đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện hiện đã xuống cấp; bê tông hóa đường ngõ, xóm; kiên cố đường trục chính nội đồng và đường trục ngõ. Về tiêu chí trường học, xã cần tới 13 tỷ đồng. Nguyên nhân do các trường học trên địa bàn xã chưa có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, hệ thống phòng chức năng còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Hơn nữa, xã chưa có riêng trường mầm non do chưa có mặt bằng sạch để đầu tư. Mới đây, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ xã gần 10 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Đào Ngạn. Để triển khai dự án này, xã cần trên 1 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, trong khi số tiền này không thể huy động được từ dân.   
Cùng tiêu chí giao thông, trường học, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là những "nút thắt" khó gỡ đối với chính quyền xã. Cái khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, chưa được đầu tư đồng bộ. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện "một sớm một chiều". Để tăng mức thu nhập, thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là trồng cây thuốc lá. Năm 2017, diện tích thuốc lá của xã lên đến 200 ha, sản lượng đạt 433 - 475 tấn. Song, mức thu nhập bình quân của xã mới đạt 14,5 triệu đồng/người/năm 2016, trong khi để đạt xã NTM vào năm 2017 thu nhập bình quân của xã phải đạt 19 triệu đồng/người/năm. Còn đối với hộ nghèo, đến nay xã còn 182 hộ, chiếm 33,28%. Đa phần các hộ nghèo là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn... do đó, trên thực tế khó có khả năng thoát nghèo.
Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, xã đang xúc tiến thành lập 2 hợp tác xã, gồm: Hợp tác xã nông nghiệp chăn nuôi Tuấn Long, Hợp tác xã nông nghiệp chăn nuôi Phân Hậu hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 với các ngành nghề: trồng, chăm sóc, thu mua cây thuốc lá; chăn nuôi lợn; sản xuất vật liệu xây dựng... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực.    
 Ngoài ra, các tiêu chí như: thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, y tế của xã cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Nguyên nhân do kinh phí thực hiện Chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp, trong khi nguồn đối ứng từ dân còn hạn chế. Từ đó, mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng hằng năm không bảo đảm hoàn thành mức đạt chuẩn NTM. 
Đồng chí Vương Văn Võ, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết: Với quyết tâm cao, hiện huyện đang tập trung huy động các nguồn lực cho xã thực hiện các tiêu chí còn lại. Cụ thể từ nay đến hết năm 2017 tập trung cho xã đầu tư xây dựng các công trình: Trường THCS Đào Ngạn; trụ sở UBND xã; đường vào Khu di tích lịch sử Khuổi Slấn; Trạm Y tế xã; đường vào Khu di tích Nùng Trí Cao - Nà Mạ - Kéo Chang; Trạm bơm và hệ thống dẫn nước Bó Khuất - Nộc Sloa - Kéo Chang; nhà đa năng Trường Tiểu học Đào Ngạn; nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa của 9 xóm. Ngoài ra, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ gần 10 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Đào Ngạn. Xã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương..., phấn đấu về đích NTM năm 2017.
Theo Kim Xoa /Cao Bằng.vn