Đất anh hùng Đại Thắng lập “chiến công” mới
- Thứ ba - 27/03/2018 19:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vùng đất anh hùng
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết: Đại Thắng là xã có truyền thống văn hóa, cách mạng, là xã đầu tiên của huyện Đại Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 1978. Toàn xã có 1.123 liệt sĩ; có 234 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 273 thương, bệnh binh và người có công cách mạng.
Cơ sở hạ tầng, giao thông, trạm y tế… ở Đại Thắng được đầu tư xây dựng mới, khang trang. Ảnh: Trần Hậu
"Đại Thắng được công nhận đạt chuẩn NTM là thành quả nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà. Chúng tôi sẽ không ngủ quên trên kết quả đã đạt được, mà sẽ quyết tâm nâng cao các tiêu chí, giữ vững danh hiệu xã NTM, xây dựng các tiêu chí ngày càng bền vững hơn...”. Ông Trần Công Phụng |
Chiến tranh đi qua đã để lại biết bao nhiêu hậu quả nặng nề, “sau ngày giải phóng, cán bộ và nhân dân xã Đại Thắng đã bắt tay ngay vào việc tháo gỡ bom mìn còn sót lại để khai hoang, phục hóa hàng trăm ha đất phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân; đồng tâm xây dựng quê hương phát triển đi lên và ngày càng văn minh, hiện đại…” - ông Hải cho hay.
Ông Hải nhớ lại, từ trước khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, Đại Thắng có cơ sở hạ tầng rất hạn chế, trụ sở làm việc, đường giao thông, trường học, trạm y tế… đều tạm bợ và thiếu thốn. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay xã Đại Thắng đã chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình NTM, mỗi năm xã đã huy động, lồng ghép hàng chục tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở. Trong đó, nhân dân không những hiến đất, ngày công mà còn đóng góp hàng tỷ đồng vào xây dựng NTM. Nhờ đầu tư hạ tầng đồng bộ đã tạo nên diện mạo nông thôn ở Đại Thắng ngày càng khởi sắc và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu nhập tăng 2,5 lần
Trao đổi với NTNN, ông Trần Công Phụng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết thêm: Xuất phát điểm xây dựng NTM thấp, năm 2010 xã chỉ đạt 6/19 tiêu chí, trong đó một số tiêu chí còn ở mức thấp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 11,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 18,3%. Thế nhưng, từ năm 2011 triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đại Thắng đã có những thay đổi ngoạn mục. Đến cuối năm 2017 thu nhập đã đạt 31,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,85%.
Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình, đã vận động nhân dân hiến 12.320m2 đất, di dời 75 tường rào, cổng ngõ, để mở rộng đường giao thông theo quy hoạch. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình, nguồn vốn đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác đã đầu tư xây mới và sửa chữa 9/9 hội trường thôn, xây mới 10 phòng học và 3 phòng chức năng... Thi công và hoàn thành 7km giao thông nội đồng, 2km đường giao thông nông thôn ở các thôn, đường dẫn. Hoàn thành thi công điện thủy lợi hóa đất màu Giảng Hòa, Xuân Đông, nâng cấp trạm y tế xã và sân nền cơ quan. Đồng thời thi công 7,5km kênh mương, trong đó có 5km trong xây dựng NTM và 2,5km từ nguồn vốn khác...
Theo ông Phụng, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xã cũng rất chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua xã đã áp dụng nhiều mô hình kinh tế mới, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất đạt được tương đối khá.
Đại Thắng là xã thuần nông, có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 420,18ha trong tổng số 857ha đất của toàn xã; trong đó đất sản xuất lúa 278,3ha, đất sản xuất màu 141,88ha. Những năm qua, Đại Thắng đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt thế mạnh về nông nghiệp và chăn nuôi. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao cho người dân như: Bánh tráng, chăn nuôi bò, trồng rừng, trồng rau đậu các loại và các loại hoa màu khác… đã góp phần không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của xã nhà, giải quyết được nguồn lao động, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Theo Trần Hậu - Hồng Phong/Báo Dân Việt.vn