Đất phèn thành cánh đồng trăm triệu
- Thứ ba - 04/11/2014 22:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông là điển hình trong xây dựng NTM ở địa phương.
Ông Lượm vốn là một đứa trẻ mồ côi, nên tự sức vươn lên từ việc làm thuê, làm mướn. Không đất vườn, mọi việc dựa vào chính đôi tay của mình. Quyết tâm lao động, sau bao năm bươn chải, ông Lượm có được số vốn để mua đất. Có đất trong tay, ông trồng lúa, trồng mía nhưng không mang lại hiệu quả. Vì thế, ông quyết định trồng tre, trúc mong sao đổi đời.
Trồng vài chục bụi tre và nguồn thu nhập cũng chỉ đủ để cơm gạo qua ngày nên ông tiếp tục làm thuê gom góp tiền mua thêm đất. Suy nghĩ kỹ, ông Lượm quyết định mở rộng diện tích trồng tre, trúc lên 5 công. Tuy nhiên, lần này ông canh tác khác với việc thử nghiệm. Thế là ông bắt đầu lên liếp rộng 5m, cũng trồng tre, trúc như trước, nhưng mé liếp trồng chuối để lấy ngắn nuôi dài. Việc làm ăn thuận lợi, ông Lượm sang được 20 công đất và mạnh dạn mở rộng diện tích tre, trúc.
Với suy nghĩ, bón phân tre, trúc mau phát triển, nhưng đất sẽ mau cằn cỗi, như vậy, lượng phân bón dùng ngày một nhiều hơn. Chi phí đầu tư lớn nhưng lợi nhuận hơn. Ngoài ra, ông dồn hết tài sản vào để mua đất nên việc bỏ vốn đầu tư về phân, thuốc cũng là việc ngoài khả năng. Thế là ông Lượm quyết định trồng tre, trúc theo kiểu “tự nhiên” (để cây tự sinh trưởng).Sau 4 năm trồng và chăm sóc, 20 công tre, trúc của ông Lượm thu hoạch với kết quả mong đợi. Giờ đây, việc trồng, chăm sóc 20 công tre, trúc đối với ông Lượm rất nhẹ nhàng, đơn giản. Thời gian còn lại ông dành để quản lý hơn 30 công ruộng nhà.
Nói kinh nghiệm trồng tre, trúc ông Lượm chia sẻ: “Liếp lên cao hơn so với mực nước lũ khoảng 15 - 20cm. Mỗi bờ rộng 5m để trồng 2 hàng trúc với khoảng cách 2m/bụi. Lựa chọn những cây măng để nhân giống. Còn tre thì trồng với khoảng cách 4m/bụi. Để mau tốt nên bỏ ít phân chuồng hoặc phân rơm”.Cái hay của ông Lượm là không sử dụng phân hóa học. Những khoảng đất trống ông cho bà con trồng nấm rơm. Thu hoạch xong ông chỉ cần lấy phần rơm mục đó ủ vào để làm dinh dưỡng cung cấp cho tre, trúc.
Theo ông Lượm, trồng mía vừa cực nhọc lại không có kinh tế, còn trồng tre, trúc không cần phải tốn công chăm sóc, bón phân, làm cỏ vì khi 2 loại này phát triển cỏ sẽ chết.Mỗi năm, ông Lượm tuyển bán 6.000 cây trúc với giá 2.000 - 5.000 đồng/cây, 7.000 cây tre với mức giá từ 18.000 - 19.000 đồng/cây. Tổng lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Còn nếu bán hết một lần, vườn tre, trúc 20 công của ông Lượm có giá gần nửa tỷ đồng.
Ông Lượm bộc bạch: “Tre, trúc bán tuyển thì sau mỗi đợt măng mọc nhiều hơn nên năng suất ngày một tăng lên. Mỗi năm, trúc có thể cho thu hoạch bụi ít nhất cũng 40 cây, bụi lớn lên đến 100 cây. Còn nếu bán một lần thì phải đợi đến 3 - 4 năm mới cho thu nhập”.Được biết, vài tháng nữa thôi, ông Lượm dùng tiếp 8 công đất còn lại để trồng tre, trúc. Vì theo ông, đất vùng này chỉ có thể trồng mía hoặc tre, trúc. Tuy nhiên, hiệu quả của tre, trúc cao hơn gấp chục lần trồng mía mà không cần phải bỏ chi phí đầu tư, công chăm sóc.
Chính vì cách làm hiệu quả này, vườn tre, trúc của ông Lượm trồng cách nay đã 30 năm mà vẫn xanh tốt, cho thu nhập đều hằng năm.Từ hai bàng tay trắng, giờ đây ruộng, vườn ông Lượm lên đến gần 60 công. Từ căn nhà mái lá đã được xây dựng thành ngôi nhà khang trang với trị giá gần nửa tỷ đồng. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn một số bà con chuyển đổi cây trồng trên vùng đất kém hiệu quả. Ông chính là điển hình trong xây dựng NTM tại Hậu Giang.
Theo NNVN