Dê Bách Thảo

Dê Bách Thảo
Với khả năng kháng bệnh cao, đầu tư kinh phí ít, những năm qua nuôi dê Bách Thảo đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nhiều ưu điểm

Dê Bách Thảo có tầm vóc to hơn so với dê cỏ, khối lượng cơ thể trưởng thành con đực nặng 75 - 80 kg/con, cao khoảng 85 - 90 cm, còn con cái có trọng lượng 40 - 45 kg, cao 65 - 70 cm, con sơ sinh 2,6 - 2,8 kg/con, trọng lượng càng lớn giá càng cao. Dê Bách Thảo cũng có khả năng cho thịt dê tốt, tỷ lệ thịt xẻ 40 - 45%, tỷ lệ thịt lọc đạt 30 - 35%. Thịt dê Bách Thảo có chất lượng khá, các tỷ lệ vật chất khô, protein, mỡ đều thấp hơn so với thịt dê cỏ, nhưng hàm lượng mỡ trong thịt thấp. Dê con sơ sinh nặng 1,9 - 2,5 kg. Dê 3 tháng tuổi (lúc cai sữa) nặng 10 - 12 kg, dê 6 tháng tuổi (lúc giết thịt) nặng 17 - 20 kg. Dê sinh sản nhanh tuổi phối giống lần đầu 7 - 8 tháng, cứ 7 tháng đẻ 1 lứa, lứa đầu đẻ 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi đẻ 2 con. Chu kỳ cho sữa thu được từ 0,8 - 1,2 lít/ngày, gấp 3 - 4 lần dê cỏ, quy ra 1,1 - 1,4 kg/con/ngày với chu kỳ cho sữa 148 - 150 ngày. Tuổi phối giống lần đầu từ 7 đến 8 tháng.

dê bách thảo - chăn nuôi

Dê ăn được nhiều loại cỏ, lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp. Có thể nuôi dê nhốt tại chuồng hoặc chăn thả trên đồi núi. Dê có khả năng chịu đựng kham khổ và chống đỡ bệnh tật tốt, dễ nuôi, ít ốm đau, ít mắc bệnh hiểm nghèo, thích ứng rộng rãi với nhiều vùng.

 

Đầu tư ít, hiệu quả cao

Dê Bách Thảo được sử dụng như một gia súc kiêm dụng, khả năng cho thịt và sữa đều tốt, ngoài ra dê còn cung cấp những sản phẩm có giá trị khác. Da dê có thể dùng làm túi xách, vali, giày dép. Xương dê, huyết dê, dạ dày dê, gan dê, tinh hoàn dê, thịt dê là những nguyên liệu trong y học để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Dê mắn đẻ, ít bệnh, cho nhiều thịt và sữa, có khả năng cải tạo đàn dê cỏ nhỏ con, chậm lớn. Nuôi dê cần ít vốn, tốn ít công, thu nhập nhanh và nhiều hơn dê cỏ.

Từ cuối năm 1991, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây đã tiến hành chọn lọc đưa từ Ninh Thuận ra một số dê Bách Thảo để nuôi dưỡng nhân thuần tạo dựng đàn giống gốc. Từ đàn giống này một số lượng lớn dê đã được đưa về các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc để nuôi giữ và phát triển với số lượng lớn hơn. Song song với việc tạo đàn giống gốc tại các cơ sở giống, công tác chọn lọc nhân thuần, phát triển số lượng và chất lượng đàn dê tại các địa phương có đàn dê thuần cũng được chú ý và đẩy mạnh. Đặc biệt tại Ninh Thuận, các cán bộ chăn nuôi đã tiến hành công tác chọn lọc đối với các đàn giống lớn của hộ gia đình.

Cách đây 7 năm, các huyện của Bình Thuận phát triển rầm rộ nuôi dê Bách Thảo, nhiều hộ nông dân thoát nghèo và coi đó là cách làm giàu nhanh chóng. Nhưng sau đó không lâu, nhiều gia đình "bại sản", nợ nần chồng chất, do dê xuất hiện dịch bệnh, giá xuống quá thấp, người tiêu dùng quay lưng.

Thời gian gần đây không ít hộ ở xã Bình Tân (Bắc Bình - Bình Thuận) đang khôi phục nuôi dê Bách Thảo. Gia đình ông Phạm Được ở thôn Bình Nghĩa, xã Bình Tân là một điển hình. Hiện ông đang nuôi hơn 100 con dê Bách Thảo. Theo ông Được, loại dê này dễ nuôi và nhanh sinh sản lại chủ động được thời gian chăn thả nên việc chăn nuôi, phát triển không khó. Đối với dê Bách Thảo, trung bình 1 con cái đẻ một năm 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con, nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng 25 - 35 kg là bán thương phẩm.

Muốn nuôi dê có hiệu quả cần phải chú ý đến khâu chọn con giống, cách phối giống. Chuồng nuôi phải cách mặt đất hơn 1 m, thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo được nhiệt độ phù hợp mỗi mùa. Trong thời gian nuôi, gia đình ông Được đã xuất bán nhiều lứa dê thương phẩm thu về hàng chục triệu đồng. Mới đây, ông xuất bán 20 con dê thương phẩm với giá 125 ngàn đồng/kg, thu về gần 50 triệu đồng. Chỉ thời gian ngắn phát triển nuôi dê, giờ ông đã tìm thấy niềm vui khi đã có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 150 triệu đồng…

>> Dê Bách Thảo là giống dê kiêm dụng thịt và sữa nổi tiếng, có thể xem Ninh Thuận là quê hương của dê Bách Thảo. Đây là giống dê được hình thành từ việc tạp giao giữa dê cỏ và các giống dê được nhập vào Việt Nam từ hàng trăm năm trước như dê Alpine, dê Anglo Nubian. Ngày nay, dê có những đặc điểm rõ rệt của vùng sinh thái nóng khô.


Nguồn: nguoichannuoi.vn