Để mắc ca thành cây "tỷ đô"

Để mắc ca thành cây "tỷ đô"
Đối với các sản phẩm nông nghiệp chiến lược, mắc ca có lợi thế vượt trội trong tập đoàn cây công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc bởi 4 lý do.
 
Để mắc ca thành cây tỷ đô
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn kiểm tra SX mắc ca ở tỉnh Điện Biên


Làm thế nào để phát triển cây mắc ca theo hướng SX hàng hoá, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành NN-PTNT là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại Diễn đàn “Phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” do Viện Nghiên cứu & phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây tổ chức sáng qua (8/7).

Cây làm giàu

Tây Nguyên và Tây Bắc có thổ nhưỡng và khí hậu tuyệt vời để phát triển cây mắc ca. Giá trị kinh tế của nó cao gấp đôi, gấp ba cà phê, điều, hạnh nhân. Nhưng cho tới thời điểm này, diện tích trồng mắc ca quá hẹp, chỉ 2.000 ha. 

VN đã quy hoạch phát triển 200.000 ha mắc ca tại Tây Nguyên và 50.000 ha tại Tây Bắc. Mục tiêu phấn đấu đạt 200.000 tấn hạt (năm 2025), tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ USD sau năm 2025. Nhưng hiện thực hoá được mục tiêu đó không hề dễ dàng.

Theo ông Phạm Đức Tuấn, Viện Nghiên cứu & phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, việc tái cơ cấu ngành NN-PTNT có nhiều vấn đề, trong đó có 3 điểm nhấn là lựa chọn sản phẩm chiến lược có hiệu quả kinh tế cao; tích tụ ruộng đất hợp lý và áp dụng công nghệ cao.

Đối với các sản phẩm nông nghiệp chiến lược, mắc ca có lợi thế vượt trội trong tập đoàn cây công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc bởi 4 lý do: Thứ nhất, sản phẩm chế biến đa dạng, giàu dưỡng chất. Thứ hai, giá trị kinh tế cao. Một cây mắc ca có vòng đời khoảng 60 năm, nông dân không cần tái canh nhiều lần như cây cà phê (trung bình 20 năm phải trồng lại).

Tính khiêm tốn, bình quân 1 ha cây mắc ca cho khoảng 3 tấn hạt, với giá bán 3,5 USD/kg hạt thô sẽ thu được 10.000 USD. Nếu qua khâu chế biến đồ hộp, giá trị của nó sẽ tăng từ 3 - 5 lần giá nguyên liệu. Một ví dụ cụ thể, hiện tại Cty Chế biến XNK nông sản - thực phẩm Đồng Nai (Donafood) đang XK sản phẩm nhân mắc ca với giá từ 15 - 18 USD/kg.

Thứ ba, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới chỉ đáp ứng được 25 - 30% nhu cầu tiêu dùng, do đó khả năng cạnh tranh của cây trồng này rất cao.

Cung không đủ cầu

Ông Phạm Duy Thành, GĐ Cty Macadamia Điện Biên (Cty CP Thương mại -đầu tư phát triển công nghệ Quốc tế - IDT) chia sẻ: "Những cây mắc ca được trồng thí điểm tại Điện Biên cách đây 5 - 7 năm hiện rất sai quả và cho chất lượng nhân rất tốt.

Từ năm 2012 đến nay, Cty đã đầu tư trồng được khoảng 70 ha mắc ca; xây dựng được cơ sở giống với quy mô 5 vạn cây/năm nhằm chủ động cây giống, hạ giá thành sản phẩm và đẩy nhanh tốc độ trồng 4.000 ha theo giấy phép đầu tư đã được UBND tỉnh cấp.

Hiện IDT đã giới thiệu ra thị trường một số sản phẩm đã qua chế biến với thương hiệu DELIX như macadamia rang muối, rang mù tạp, rang mật ong và rang tự nhiên. Tuy nhiên, vì nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ, do đó Cty phải nhập khẩu từ thị trường Úc và Nam Phi với giá cả rất đắt".

Giống như IDT, với công suất chế biến 5.000 tấn nhân mắc ca xuất khẩu mỗi năm, hiện tại Cty Donafood cũng đang rất khó nhập nguyên liệu đầu vào.

Tại diễn đàn, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người rất tâm huyết với việc phát triển cây mắc ca tại VN đặt vấn đề:

"Vì sao diện tích cây mắc ca vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và giá trị của nó? Bởi vì chưa có nhiều người biết "mặt ngang mũi dọc" của cây mắc ca như thế nào và giá trị kinh tế của nó ra sao. Vì thế phải tuyên truyền nhiều hơn nữa.
Thứ hai, phải đẩy mạnh khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm và đưa ra thị trường nội địa để người dân biết, ăn quen và sử dụng nó thường xuyên. Nhiều DN đang rất muốn đầu tư vào cây mắc ca, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên cần tận dụng cơ hội này và “trải thảm đỏ” mời họ vào.
Lợi nhuận chính là mỡ, không bao giờ DN nhìn thấy lợi nhuận mà bỏ qua. Họ sẽ là người hỗ trợ vốn, lo thị trường, bao tiêu sản phẩm cho nông dân...".

Ông Nguyễn Hữu Tú, công nhân BQL rừng phòng hộ huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) chia sẻ: "Năm 2006, tôi được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn giới thiệu nhập giống mắc ca từ Xí nghiệp Giống cây trồng TW ở Ba Vì (Hà Nội) để thay thế cho diện tích 1 ha trồng mơ, nhãn và luồng kém hiệu quả kinh tế.

Năm 2012 thu được 1 tấn quả mắc ca, bán với giá 40.000 đ/kg (đạt 40 triệu đồng). Năm 2013 năng suất tiếp tục tăng, đạt 1,7 tấn, bán với giá 60.000 đ/kg (đạt 100 triệu đồng). Năm 2014 năng suất ước đạt 2,5 tấn, nhưng DN phải mua giá 80.000 đ/kg thì tôi mới đồng ý bán".

Ông Tú chia sẻ thêm: “Kỹ thuật trồng cây mắc ca không khó và rất ít sâu bệnh. 7 - 8 năm tôi chỉ phải phun 1 lần thuốc trừ sâu ăn lá. Thời kỳ quả chín, cần phải phát dọn sạch cỏ để chuột không có chỗ trú ngụ và phá hoại. Thấy tôi trồng hiệu quả, BQL rừng quyết định đầu tư trồng mắc ca thay thế cây mía, hiện tại diện tích đã đạt 20 ha”.

DN phải vào cuộc

Ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông cho biết: "Toàn huyện Tuy Đức có 400 ha mắc ca, trong đó những diện tích trồng từ năm 2009 cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh quy hoạch hơn 10.000 ha trồng cây mắc ca và đang chờ Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Huyện xác định đây là cây chiến lược để xoá đói giảm nghèo, bởi nó được triển khai ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, và kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca cũng đơn giản. Một số DN cũng đang rất có thiện chí mong muốn vào cuộc".

Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, trong đó quy định: Các dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở SX giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa 70% chi phí đầu tư/cơ sở.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ Thông tư nào hướng dẫn địa phương triển khai Nghị định 210, quả là rất khó khăn. Bên cạnh đó, phải thành lập được các tổ chức hợp tác SX như các Hội, Hiệp hội để hoạt động hiệu quả. Tránh tình trạng nông dân mệnh ai đấy làm thiếu quy củ, thống nhất.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: "Tây Nguyên và Tây Bắc đã manh nha hình thành vùng trồng cây mắc ca rồi nhưng còn thiếu tính liên kết SX. Ai cũng biết DN đầu tư vào nông nghiệp thì rất hiệu quả. Nhưng nếu như DN đứng lên làm từ A đến Z thì không ổn. Vì cây mắc ca chủ yếu trồng ở vùng rừng núi, mà đất đã có chủ hết rồi, DN có đủ tiền mua đất không và lấy ai để trông coi, chăm sóc?

Mặt khác, thời gian đầu tư vào cây mắc ca rất lâu dài, một ông GĐ DN phải liên tục mở két rút tiền trong vòng 4 năm không được mang về đồng nào, thì chắc chắn vợ ông ấy cũng cằn nhằn. Do đó cần phải xã hội hoá cây mắc ca. DN cung cấp giống, kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ. Còn nông dân bỏ vật tư, tự lo về phân bón, chăm sóc. Lợi nhuận sẽ được chia hài hoà thì mới bền vững được".
 

Nguồn: nongnghiep.vn