Điểm sáng cho công nghiệp nông thôn Ninh Bình

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức xét duyệt và công nhận 1 nghề truyền thống, 3 làng nghề cấp tỉnh và vinh danh 20 nghệ nhân tỉnh Ninh Bình. Đây được đánh giá là hoạt động ghi nhận hiệu quả, mang tính khuyến khích cao với sự đóng góp của các làng nghề, nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tỉnh.
Điểm sáng cho công nghiệp nông thôn Ninh Bình
Theo thống kê của Sở Công Thương Ninh Bình: Tính đến hết năm 2013 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 3 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 64 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 7 làng nghề gây trồng kinh doanh sinh vật cảnh  và 1 làng nghề nề xây dựng.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết: Đa số các làng nghề có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Một số làng nghề của tỉnh đang có chiều hướng phát triển rất tốt.
Kết quả điều tra khảo sát Sở Công Thương Ninh Bình thực hiện gần đây cũng cho thấy 49 trong tổng số 75 làng nghề hiện đang phát triển mạnh, gồm: Các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, trồng đào, thêu ren, gỗ mỹ nghệ...
Sự phát triển thuận lợi của các làng nghề này được chỉ ra là do mỗi làng nghề có từ 1-2 cơ sở, doanh nghiệp đầu mối, vệ tinh hoạt động hiệu quả trong việc cung cấp đơn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Sản phẩm của các làng nghề theo đó không chỉ được tiêu thụ mà còn được xuất khẩu. Số hộ, lao động tham gia vào hoạt động sản xuất nghề tiếp tục được duy trì, đạt 57-58%/làng. Doanh thu bình quân đạt 17,6 tỷ đồng/làng. Thu nhập của người lao động ổn định với mức thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Riêng với các nghề thêu ren, chế biến cói bèo xuất khẩu mức thu nhập có thấp hơn một chút, đạt 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, sức phát triển mạnh mẽ của khu vực làng nghề đã tạo nên điểm sáng trong bức tranh công nghiệp nông thôn tỉnh Ninh Bình. Sự phát triển của khu vực làng nghề ngoài vai trò đóng góp về mặt kinh tế, an sinh xã hội mà còn góp phần lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa truyền thống của tỉnh.
Nhằm mở rộng cánh cửa phát triển đồng thời ghi nhận sự đóng góp của một số làng nghề, UBND tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức xét duyệt và trao bằng công nhận làng nghề, nghệ nhân tỉnh Ninh Bình Năm 2014. Theo đó, nghề gốm cổ Bồ Bát (xã Yên Thành, Yên Mô) đã được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh. Các làng nghề cây cảnh xóm 1, làng nghề ẩm thực Phong An (xã Khánh Thiện, Yên Khánh) và làng nghề rượu Lại Thành (huyện Kim Sơn) được công nhận làng nghề cấp tỉnh. UBND tỉnh cũng phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Ninh Bình năm 2014 cho 20  cá nhân.
Theo bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình: Dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá khắt khe của Hội đồng bình chọn, các nghề, làng nghề cá nhân được công nhận là hoàn toàn xứng đáng.
Đơn cử, với nghề gốm cổ Bồ Bát, đây là nghề đã có lịch sử trên 3000 năm tại làng Bồ Bát. Những năm gần đây cùng với sự phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của tỉnh, nghề gốm cổ Bồ Bát cũng được khôi phục phát triển. Một số hộ dân đã quay lại sản xuất, phát triển nghề gốm phục vụ du lịch và xuất khẩu. Đặc biệt, sản phẩm gốm Bồ Bát đã được nghệ nhân Phạm Văn Vang tạo ra những sản phẩm đặc sắc và đoạt giải tại các cuộc thi sáng tác mẫu mã thủ công mỹ nghệ.
Tương tự, các làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh cũng đang phát triển khá ổn định. Số hộ tham gia hoạt động nghề ở làng nghề đều đạt trên 30% tổng số hộ. Thu nhập bình quân của lao động làm nghề từ 1,5-5 triệu đồng/người/tháng, trong đó, thu nhập của lao động làm nghề ẩm thực đạt 2,1 triệu đồng/người/tháng; từ nghề trồng cây cảnh đạt 2-5 triệu đồng/người/tháng; từ nghề rượu đạt 1,5-2,3 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, hoạt động sản xuất tại các làng nghề này đã mang lại hiệu qủa xã hội thiết thực, tạo việc làm ổn định, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực làng nghề, nhất là các làng nghề đã được công nhận là mảng sáng trong bức tranh công nghiệp nông thôn của tỉnh. Đây cũng là nền tảng giúp Ninh Bình đẩy mạnh cán cân kinh tế về hướng phát triển công nghiệp.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, ưu tiên hỗ trợ khu vực làng nghề tiếp tục là mục tiêu trước mắt của Ninh Bình. Theo đó, Ninh Bình sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho các làng nghề từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiên thương mại nhằm chuyển giao công nghệ, hiện đại hóa sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; Có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, nhất là hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc dự trữ nguyên liệu; Khuyên khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề nghiên cứu, sáng tác thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Tăng cường liên kết giữa các cơ sở sản xuất làng nghề và doanh nghiệp thương mại lớn nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm làng nghề...
Hồng Lý
theo baocongthuong