Độc đáo: Cả làng có thu nhập kép nhờ đỏ lửa nấu rượu và nuôi con eng éc
- Chủ nhật - 17/12/2017 01:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người khởi nguồn cho làng nấu rượu
Men theo con đường bê tông nhỏ vào trong ngõ của tiểu khu 1, điều dễ nhận thấy là loáng thoáng làn khói bay, kèm theo hương rượu thơm nồng tỏa ra từ các gian nhà bếp. Nhà nào cũng vậy, đều có một vệt khói bốc lên phía trên mái ngói.
Các phụ phẩm từ nấu rượu được nhiều hộ dân khu tiểu 1, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La sử dụng để chăn nuôi lợn
Được biết, phần lớn những người dân sống tiểu khu 1, xã Chiềng Xôm đều là cán bộ, nhân viên từng lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về nghỉ chế độ. Khu này vốn không dồi dào đất sản xuất như các bản, tiểu khu lân cận, mỗi nhà chỉ có một ít đất vườn và hầu như không có ruộng, nương.
Để lo kinh tế gia đình, nhiều người đã chọn công việc nấu rượu và nuôi lợn. Mới đầu chỉ một vài hộ nấu rượu, nuôi lợn, thấy có lãi bà con bắt đầu học nhau cách làm này.
Người khởi nguồn cho nghề nấu rượu nơi đây là ông Phan Đình Chung-một cán bộ nghỉ hưu, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Đứng bên ngôi nhà 3 tầng đang xây ông Chung tâm sự, “Mình từng làm ở Công ty lương thực Mường La ở huyện Mường La (Sơn La) về nghỉ từ năm 1991. Lúc này kinh tế gia đình còn khó khăn mà đất mà đất sản xuất không có, chỉ có tí đất vườn nên tôi đã nảy ra ý tưởng nấu rượu, nuôi lợn....". Thấy cách làm của ông Chung hiệu quả, cho thu nhập kép, nhiều nhà trong tiểu khu đã bắt trước làm theo.
Các hộ ở tiểu khu 1, xã Chiềng Xôm thực hiện các công đoạn của nấu rượu hoàn toàn bằng thủ công
Hơn 20 năm nay, gia đình ông Chung luôn gắn bó với nghề nấu rượu và nuôi lợn. Trước đây có thời điểm gia đình ông nuôi đến hàng chục, thậm chí đến gần trăm con và nấu hàng trăm lít rượu mỗi ngày. Nhưng bây giờ do tuổi đã cao nên mỗi ngày gia đình ông chỉ nấu 30-40 lít rượu, gần chục con lợn/lứa. Sau nhiều năm tích góp từ nấu rượu, nuôi lợn, ông Chung đang xây cho mình một ngôi nhà rộng rãi, khang trang...
Được tập huấn nấu rượu an toàn
Cái hay là rượu ở tiểu khu 1 được bà con nấu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Tất cả các hộ nấu rượu đều được Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La tập huấn, kiểm định và cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn nên sản phẩm rượu làm được rất nhiều khách hàng tin dùng.
Rượu được nấu bằng nguồn nước sạch, cách làm thủ công, rượu được nấu bằng thứ gạo ngon, men chuẩn. Phải ủ lên men từ 8 – 10 ngày mới đem ra nấu. Ở tiểu khu 1, xã Chiềng Xôm, các bếp rượu đỏ lửa suốt ngày đêm vẫn chẳng khi nào sản phẩm bị ế...
Anh Lê Quốc Lập- người có kinh nghiệm hơn 10 năm nấu rượu, nuôi lợn cho hay: "Rượu gia đình tôi nấu từ khâu ủ đến khâu nấu đều hoàn toàn bằng thủ công. Mình nấu được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, chứ không dám làm lung tung. Quan trọng là có nguồn phụ phẩm bã rượu để nuôi lợn...”, anh Lập chia sẻ.
Hiện anh Lập đang nuôi 30 lợn thịt, 3 mẹ lợn nái. Mỗi ngày anh Lập nấu 50kg gạo cho ra 70 lít rượu. Bình quân, mỗi năm gia đình anh Lập có thu nhập vài trăm từ nấu rượu và chăn nuôi lợn.
Bình quân mỗi gia đình ở tiểu khu 1, xã Chiềng Xôm, Thành phố Sơn La trong chuồng lúc nào cũng có hàng chục đầu lợn. Dù giá lợn thấp hay giá lợn cao, các hộ ở đây vẫn chăn nuôi bởi phần chi phí giảm đáng kể nhờ bã rượu.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tiểu khu I, cho hay: Cả tiểu khu có 41 hộ thì thời điểm hơn 2/3 số hộ nấu rượu, nuôi lợn, tới giờ vẫn còn hơn 20 hộ nấu rượu, nuôi lợn. Cái hay là bã rượu lại là phụ phẩm trở thành thức ăn chính trong chăn nuôi, giảm được chi phí đầu tư. Từ nấu rượu và nuôi lợn, nhiều gia đình ở Tiểu khu I đã có cuộc sống ổn định, thậm chí nhiều hộ gia đình còn vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Nhiều gia đình ở tiểu khu 1, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La coi việc đỏ lửa nấu rượu, nuôi lợn là cái nghề gắn bó lâu dài...
Theo Quốc Định/Báo Dân Việt.vn