Đổi đời từ trang trại

Đổi đời từ trang trại
Những năm qua, 10 chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã có tác động đến quá trình phát triển kinh tế, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Trong đó nổi bật là chương trình cho vay giải quyết việc làm, tuy nguồn vốn ít và dư nợ không cao nhưng hiệu quả đem lại cho những hộ dám nghĩ, dám làm là rất đáng kể.

Gia đình anh Hoàng Văn Chỉnh ở xã Rá Bản (huyện Chợ Đồn) được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh đầu tư cải tạo 3ha đất đồi và ven đồi thành ao nuôi cá, nuôi lợn rừng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, khu đồi nhà anh đã trở thành trang trại khép kín với ao nuôi cá, khu trồng cây ăn quả, trồng cây lấy gỗ và gần 50 con lợn rừng. Anh Chỉnh nói: “Gia đình tôi từng được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, sau khi trả hết vốn và lãi cho ngân hàng, tôi được vay tiếp 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Với số vốn này, tôi đầu tư mua lưới thép quây hơn 2ha đồi nuôi lợn rừng, với gần 50 con. Đồng vốn ưu đãi thực sự giúp gia đình tôi đổi đời”.

Theo thống kê của NHCSXH huyện Chợ Đồn, dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện trong hơn 10 năm qua đạt hơn 7 tỷ đồng, với 790 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình được vay vốn, thu hút và tạo việc làm mới cho 865 lao động.

Trang trại của gia đình anh Chu Quang Phúc ở thôn Nà Cọ (xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn) được coi là mô hình điển hình về sử dụng vốn vay giải quyết việc làm. Năm 2003, anh Phú­c được vay chương trình hộ nghèo 5 triệu đồng. Có vốn, anh mạnh dạn cải tạo 3ha đất rừng thành ao nuôi cá, trồng rừng. Từ hiệu quả của mô hình, anh được NHCSXH duyệt cho vay thêm 500 triệu đồng, vậy là có điều kiện mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng. Trang trại của gia đình anh rộng 13ha, với 200 con lợn rừng và lợn nái, gần 300 con dúi, 1.000m2 ao nuôi cá; mỗi năm xuất bán hơn 1 tấn lợn, 3 tạ dúi, hàng tấn cá, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; doanh thu năm 2013 đạt hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 500 triệu đồng. Anh Phúc tâm sự: “Tôi rất cảm ơn NHCSXH, không có nguồn vốn vay ưu đãi, chắc gia đình không có cơ ngơi như thế này”. 
 

Vay vốn trồng rừng ở xã Nông Hạ (Chợ Mới - Bắc Kạn).


Tại Ba Bể, một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Bắc Kạn, với tỷ lệ hộ nghèo hiện là 26,5%, ngoài các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…, chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng mang lại nhiều lợi ích cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Toàn huyện có 954 hộ và cơ sở được vay vốn chương trình giải quyết việc làm với dư nợ hơn 5,5 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho 1.114 lao động. Đơn cử như hộ các anh Nông Văn Thẩm, La Văn Tuân ở thôn Bản Cám (xã Nam Mẫu) được vay 20 triệu đồng đầu tư mua xuồng chở khách; Nguyễn Công Toản ở tiểu khu 4 (thị trấn Chợ Rã) vay 90 triệu đồng mở xưởng cơ khí, tạo việc làm cho gần 10 lao động.

Đánh giá về hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, ông Trần Xuân Lễ, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã giúp hàng ngàn lao động có việc làm, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, qua đó làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, nguồn vốn cho chương trình này còn ít trong khi nhu cầu vay của người dân để mở rộng sản xuất kinh doanh rất lớn. Để chương trình cho vay GQVL có tác dụng hơn, hiệu quả hơn, rất cần thêm nguồn vốn và mức vay cao hơn, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động địa phương”.

 

Trần Việt
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn