Dồn lực cho đầu tư phát triển

Dồn lực cho đầu tư phát triển
Không chỉ nằm trong top những địa phương thu ngân sách nhà nước (NSNN) cao, có điều tiết về trung ương, Quảng Ninh còn thường xuyên tái cơ cấu, làm mới các phương án chi để phục vụ tối ưu phát triển kinh tế - xã hội. Đó là yếu tố quyết định để Quảng Ninh tiếp tục giữ vững tốc tăng trưởng kinh tế 8 - 9%/năm từ nhiều năm nay và trở thành cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc…
 

Kinh tế tăng trưởng ổn định

 Công tác điều hành thu, chi ngân sách, tiết kiệm chi thường xuyên hiệu quả đã giúp chính quyền tỉnh Quảng Ninh tự tin hơn để tiếp tục đầu tư thêm dự án trọng điểm thời gian tới. Đây là những công trình nhằm hoàn thiện quá trình đưa tỉnh trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch trọng điểm ở phía Bắc như: Công trình Quốc môn, trạm kiểm soát liên ngành, hệ thống điện chiếu sáng cầu và đường dẫn; Dự án Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Quảng Ninh…

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh cho thấy, 10 tháng của năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt xấp xỉ 10%, mức tăng cao nhất từ 2012 đến nay, đứng trong nhóm đầu của cả nước. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,4%. Nhiều dự án đầu tư về du lịch của FLC, Sun Group, BIM Group đã đưa vào khai thác, tạo dấu ấn đặc sắc, tăng sức hấp dẫn, lưu giữ du khách dài ngày hơn... Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tháng 10.2017 ước đạt 620 nghìn lượt, tính chung 10 tháng ước đạt 8,6 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch tháng 10 ước đạt 1.400 tỷ đồng, tính chung 10 tháng ước đạt 15 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cho biết, từ khi dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế nghiêng về khu vực dịch vụ, du lịch, tỉnh đã thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch với hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội chất lượng cao và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Từ đó hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao ngang tầm quốc tế của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước... làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Quảng Ninh tạo được cú hích lớn trong tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Đi kèm đó là kết quả thu ngân sách đầy khả quan. Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 10 tháng ước đạt 29.500 tỷ đồng, đạt 92% dự toán năm. Trong đó thu thuế XNK ước đạt 8.132 tỷ đồng, đạt 151% dự toán năm; thu nội địa 21.135 tỷ đồng, đạt 80% dự toán năm. 


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài bên lề Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp

Thắt lưng buộc bụng 

Không dưới một lần và trên nhiều diễn đàn khác nhau, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề cập đến cụm từ “thắt lưng buộc bụng” khi đề cấp đến chi ngân sách. Đây không chỉ là cách ví von, vì trên thực tế Quảng Ninh sử dụng nguồn chi này khá chắt chiu và có tính toán. Chủ tịch Nguyễn Đức Long chia sẻ, nếu như 2011 tổng chi ngân sách của tỉnh đạt trên 8.600 tỷ đồng, thì tới năm 2016, tổng chi ngân sách đã đạt con số 18.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2017, dự kiến chi ngân sách đạt trên 18.000 tỷ đồng. Trong lộ trình phát triển, tỉnh đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng. Vì thế, tỉnh đã tính toán kỹ mọi khoản chi để dành tối đa cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cách làm của Quảng Ninh là tiết kiệm chi thường xuyên, với trụ cột là công tác tinh giản bộ máy biên chế. Hàng năm, UBND tỉnh đều giao tăng phần tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp khối tỉnh, giảm dần phần NSNN cấp cho các đơn vị. Từ 2014 - 2016, tỉnh đã giảm 30% số đơn vị hưởng NSNN 100%, tăng số lượng đơn vị tự chủ về tài chính... Việc giảm chi NSNN cho khu vực hành chính sự nghiệp đã “dôi ra” 1.700 tỷ đồng (2015) và gần 2.700 tỷ đồng của năm 2016 và toàn bộ số tiền đó được “dồn” cho nhiệm vụ đầu tư, góp phần đẩy mức chi đầu tư phát triển năm 2016 của Quảng Ninh lên chiếm 56% tổng chi NSNN, cao gấp gần hai lần tỷ lệ chi đầu tư phát triển của năm 2011 (29,5%). 

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong 3 năm trở lại đây, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước bố trí vốn cho đầu tư XDCB đạt tỷ trọng hơn 50% tổng chi ngân sách địa phương. Năm 2017, tỉnh đã bố trí xong 9.800/18.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển. Tổng số dự án khởi công mới năm 2017, phần vốn ngân sách tỉnh là 65 dự án; hiện tại, tất cả các dự án này đều đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khối các huyện, thị xã, thành phố thời điểm hết tháng 9, đã có 240 dự án, công trình được UBND tỉnh cho phép khởi công mới với tổng mức đầu tư gần 3.481 tỷ đồng. 


Tác giả bài viết: Lê Tùng