Đồng Tháp: Áp dụng công nghệ sinh học: t­­­­ăng thu nhập, bảo vệ môi trường

Thực trạng nông dân canh tác liên tục, gối vụ đã tạo điều kiện cho sâu bệnh lưu tồn từ vụ này sang vụ khác. Để giữ năng suất lúa, nhiều nông dân đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dẫn đến tình trạng sâu hại kháng thuốc và khả năng tái bộc phát ngày càng cao. Việc áp dụng công nghệ sinh học sẽ hạn chế được vấn đề này.
Trồng hoa trên bờ ruộng, một hình thức áp dụng công nghệ sinh học

Thời gian qua, Chi cục BVTV tỉnh xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh thái kết hợp bảo vệ môi trường trên ruộng lúa” tại các địa phương: Lấp Vò, Tam Nông, Tháp Mười. Với những kết quả thiết thực mang lại, trong vụ đông xuân này, Chi cục BVTV tỉnh đã chọn xã Mỹ Đông để thực hiện với diện tích 30ha và 2ha đối chứng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi Cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Mô hình sẽ định hướng cho bà con gia giảm chi phí đầu tư một cách hợp lý mà vẫn ổn định năng suất, giúp nông dân tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm, hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.

Trước khi xuống giống, bà con được hướng dẫn gieo trồng các loại hoa như sao nhái, cúc mặt trời, hướng dương... tại các bờ ruộng. Với màu sắc sặc sỡ, các loại hoa nhiều mật thu hút được một lượng lớn thiên địch như nhện lớn bắt mồi, bọ xít mù xanh và ong ký sinh, góp phần làm cho các ruộng mô hình hạn chế việc rầy nâu, sâu bệnh ở bộc phát thành dịch, vì vậy giảm được lượng thuốc phun xịt, mang hiệu quả kinh tế.

 Với tập quán canh tác truyền thống, nông dân lạm dụng thuốc BVTV, đồng thời pha trộn nhiều loại thuốc với nhau để phun xịt làm phá vỡ cân bằng sinh thái, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, kéo theo chi phí đầu tư gia tăng. Trong khi ruộng mô hình chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết nhằm bảo vệ thiên địch và tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo điều kiện cho cây lúa tăng sức chống chịu được với sâu bệnh. Từ đó, ruộng mô hình sử dụng thuốc BVTV ít hơn so với ruộng đối chứng là 4 lần phun thuốc trừ bệnh và 3 lần phun thuốc trừ sâu rầy.

Ruộng mô hình áp dụng việc bón phân cân đối và theo nhu cầu sinh lý từng giai đoạn của cây lúa nên lượng phân bón cũng thấp hơn so với đối chứng khoảng 65kg Ure, 22,6kg DAP.

Qua thống kê của ngành chức năng, đối với ruộng mô hình, chi phí đầu tư là 19 triệu đồng/ha, trong khi ruộng đối chứng phải là 21 triệu đồng/ha. Ngoài ra, ruộng mô hình cho năng suất cao hơn khoảng 7.000kg/ha, với giá bán là 5.750 đồng/kg, trừ toàn bộ chi phí với ruộng mô hình nông dân có lãi 21 triệu đồng/ha. Còn ruộng đối chứng với năng suất chỉ đạt 6.380kg/ha, trừ đi chi phí nông dân chỉ lãi trên 15,5 triệu đồng/ha. Qua so sánh, lợi nhuận từ mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng gần 5,5 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Hùng – Giám đốc HTX Thắng Lợi, xã Mỹ Đông thông tin: “Điểm nổi bật của mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất là hạ giá thành sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập. Với những ưu điểm trên, trong mùa vụ tới, bà con tại HTX đồng thuận tiếp tục thực hiện mô hình với diện tích trên 20ha”. Đáng lưu ý, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường. Qua thống kê của các chuyên gia, hàng năm một lượng lớn thuốc BVTV từ các bao bì, chai lọ qua sử dụng còn tồn đọng đổ xuống đồng ruộng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, môi trường sống. Đáng lưu ý, với mô hình này, bà con được bố trí 30 thùng chứa các chai lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, đến cuối vụ, Công ty cổ phần BVTV An Giang (đơn vị phối hợp thực hiện mô hình) sẽ đến mang đi tiêu hủy. Qua thời gian thực hiện, tính riêng tại HTX Thắng Lợi đơn vị thu gom 100kg vỏ chai, bao bì thuốc BVTV... Ngoài ra, thông qua mô hình, người dân từng bước ý thức nhiều hơn trong việc bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách sử dụng phân, thuốc BVTV an toàn...

Nguồn: Báo Đồng Tháp online