Đồng Tháp: Mô hình liên kết trồng ớt mang lại hiệu quả cao
- Thứ năm - 14/03/2013 05:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, chủ doanh nghiệp Dũng ớt ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, ớt tươi sau khi thu mua của nông dân được sơ chế xuất bán tiểu ngạch sang thị trường Campuchia, Thái Lan và tiêu thụ thị trường nội địa. Hiện tại có hơn 50% lượng ớt ở Thanh Bình do cơ sở của ông thu mua. Ông còn đầu tư cho nông dân về giống và chi phí ban đầu với mức 1 triệu đồng/ha.
Với sản lượng trung bình 20.000 tấn/năm, cây ớt chỉ thiên lai F1 Caprt 45 giống nhập khẩu từ Thái Lan được xem là loại nông sản đặc thù của huyện Thanh Bình. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, khả năng thích nghi cao, nên ớt trồng ở đây có màu đỏ đẹp, vị cay cao, giữ được lâu. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “ớt Thanh Bình” cho HTX nông nghiệp Thuận Phong, ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình. Hiện nay huyện có hơn 20 điểm thu mua ớt với quy mô lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Trần Minh Đức, Phó trưởng trạm khuyến nông huyện Thanh Bình, cho biết: định hướng của huyện năm 2013 là phối hợp với trường Đại học Cần Thơ thực hiện nghiên cứu đề tài sản xuất theo hướng VietGap nhằm xây dựng mô hình sản xuất hoa màu nói chung và cây ớt nói riêng theo quy trình sạch, an toàn. Để cây ớt bền vững, tránh cung vượt cầu, huyện đã tổ chức mô hình liên kết, quy hoạch vùng trồng ớt từ nay đến năm 2020, bình quân sản xuất 1.500 ha/năm, chia thành 3 vụ: Đông Xuân sớm, vụ chính và vụ Hè Thu nghịch rải vụ. Tỉnh Đồng Tháp cũng đang nhân rộng mô hình trồng ớt có liên kết bao tiêu sản phẩm, đồng thời lập dự án sản xuất thử nghiệm máy sấy ớt, máy lặt cuốn lá, mở các cơ sở sản xuất ớt phù hợp tập quán sản xuất của nông dân, đảm bảo năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng đề án chuỗi giá trị cho cây ớt Thanh Bình.
NVT