Đồng Tháp: Nông dân không chỉ biết cần cù...
- Thứ hai - 12/06/2017 21:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khởi đầu với diện tích đất khá khiêm tốn 5.000m2, chú Huỳnh Xuân Tòng sử dụng diện tích đất trên để sản xuất lúa rồi đến hoa màu. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, đời sống của gia đình chú Tòng vẫn thiếu trước hụt sau.
Nhận ra vùng đất này thích hợp để trồng xoài và giá trị kinh tế mang lại khá cao, từ năm 2007, chú Tòng mạnh dạn lên liếp chuyển hẳn diện tích đất đang sở hữu sang trồng xoài cát hòa lộc.
Đối với cây trồng mới, chú Tòng học hỏi nhiều nông dân có thâm niên trong nghề và tham gia đầy đủ các buổi hội thảo do ngành nông nghiệp tổ chức, cộng với trải nghiệm thực tế trong quá trình sản xuất, chú Tòng đã rút ra “công thức” trồng xoài cho riêng mình.
Chú Tòng tâm sự: “Mọi người nói nhà vườn cần phải “có thời” mới làm giàu nhưng sự ví von đó chưa thỏa đáng. Thật ra, muốn vươn lên từ sản xuất thì người nông dân không chỉ cần cù trong canh tác mà còn phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật và vận dụng kinh nghiệm thực tế mới có thể thành công”.
Sau thời gian khó khăn bước đầu, chú Huỳnh Xuân Tòng đã “làm chủ” được năng suất trái. Trước đây, nhiều địa phương chưa có đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái nên gặp lũ lớn hầu như các vườn xoài bị ngập nước mà chết. Vì vậy, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá xoài lên cao ngất ngưỡng. Với lợi thế đê bao “dã chiến”, diện tích xoài nhà chú vẫn giữ được an toàn trong mùa lũ.
Sau 2 năm trúng giá, đời sống gia đình khấm khá hơn, chú Tòng tiếp tục mở rộng diện tích chuyên canh xoài lên đến 25.000m2, và dành trên 4.000m2 nuôi cá tra giống. Theo chú Tòng, với diện tích canh tác trên, trừ toàn bộ chi phí, gia đình có thể thu lãi hàng năm khoảng nửa tỷ đồng. Bằng nguồn thu đó, chú Tòng chăm lo cho các con ăn học thành tài.
Sau thành công, nông dân Huỳnh Xuân Tòng không những tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn hướng đến mô hình sản xuất bền vững, sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chú Tòng chia sẻ: “Hiện tại, nhu cầu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sạch rất lớn nên tôi đang hướng đến canh tác xoài theo hướng an toàn. Ngoài bao trái, có thời gian cách ly khi gần thu hoạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì bản thân còn nghiên cứu kỹ những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nào thuộc danh mục cấm sử dụng để loại trừ. Đồng thời, tôi đã chuyển sang dùng phân bón hữu cơ để thay thế cho phân bón hóa học nhằm cải tạo đất”.
Liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là một trong những vấn đề sống còn của người nông dân. Nắm bắt xu thế đó, nông dân Huỳnh Xuân Tòng đã bắt tay với Công ty Mekong Cần Thơ thực hiện liên kết tiêu thụ xoài, bước đầu hiệu quả mang lại khá cao. Chú Tòng cho biết: “Sản xuất gắn với tiêu thụ không phải chuyện dễ dàng, công ty đòi hỏi rất nhiều như sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hình dáng phải bắt mắt. Đổi lại, người nông dân yên tâm sản xuất dẫu thị trường có sụt giá. Đây còn là bước đệm giúp xoài của địa phương vươn xa hơn”.
Hiện tại, với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Bình Hàng Tây, chú Tòng cũng vận động bà con trồng xoài xung quanh cùng tham gia mô hình liên kết tiêu thụ và được nhiều nhà vườn tại đây đồng tình. “Thời gian trước, cũng có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với giá thấp hơn thị trường nên đa số nông dân không chịu bán. Tuy nhiên, thị trường khi xuống giá không phanh chỉ còn vài ngàn đồng/kg khiến họ bị thua lỗ. Trải qua nhiều bài học về đầu ra nông sản nên nhà vườn rất đồng tình với mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm” - Chú Tòng chia sẻ.
Không chỉ nỗ lực trong sản xuất, nông dân Huỳnh Xuân Tòng còn vận động, chung tay cùng địa phương thực hiện các công việc xã hội như rải đá chống lầy, thắp sáng đường quê, bắc cầu nông thôn...