Đồng bằng sông Cửu Long: Đưa rau màu vào đất lúa
- Thứ ba - 17/03/2015 03:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa
Năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi 87.314ha đất lúa sang trồng các loại cây rau màu như ngô, đậu tương, vừng và nuôi trồng thủy sản. Địa phương có diện tích chuyển đổi nhiều nhất là Đồng Tháp với 30.725 ha, Sóc Trăng 19.800 ha và Trà Vinh trên 12.000 ha. Diện tích chuyển đổi cây trồng năm 2014 tại ĐBSCL khoảng gần 80.000 ha, trong đó trồng ngô khoảng 25.000 - 30.000 ha.
Thời gian qua, các địa phương ở ĐBSCL cũng đã xây dựng nhiều mô hình trồng ngô, lạc, đậu nành, vừng… thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, mô hình trồng ngô ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang cho lợi nhuận gấp 1,5 - 1,8 lần so với trồng lúa. Trồng vừng tại Đồng Tháp lợi nhuận gấp 10 lần với 25,3 triệu đồng/ha, tại Cần Thơ lợi nhuận 17-25 triệu đồng/ha. Mô hình trồng đậu tương lợi nhuận 17,6 triệu đồng/ha. Việc luân canh lúa với các loại hoa màu khác cũng cho lợi nhuận tăng thêm từ 5-16 triệu đồng/ha so với canh tác 3 vụ lúa/năm.
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang ngô có hiệu quả tại tỉnh Trà Vinh
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua tại ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là các cơ sở chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư đồng bộ, thị trường tiêu thụ chưa đảm bảo, hệ thống thủy lợi chưa thích hợp với những diện tích trồng rau màu, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Liên kết sản xuất để tăng hiệu quả đầu tư
Để giải quyết những khó khăn trên, theo các chuyên gia, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đủ sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành những vùng chuyển đổi tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Từng địa phương cần có quy hoạch cụ thể vùng chuyển đổi tập trung để đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi phù hợp với cây trồng chuyển đổi, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các tỉnh, thành ĐBSCL cũng cần có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ đồng bộ chuyển giao cho nông dân mới đảm bảo đạt năng suất cao. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo bộ giống cây màu phù hợp với ĐBSCL; có các gói giải pháp kỹ thuật đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Cơ quan khoa học và doanh nghiệp cần chế tạo, cải tiến các loại máy móc phục vụ làm đất, lên luống, gieo hạt, làm rãnh, chăm sóc, thu hoạch và làm khô sản phẩm phù hợp với vùng để chuyển giao cho nông dân.
Hiện tại, phần lớn người dân đang tổ chức sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, độc lập. Nếu các hộ chuyển đổi nhỏ lẻ, không có liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín thì rất khó thành công. Bởi vậy, rất cần sự liên kết nhiều hộ dân theo các hình thức như tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành vùng hàng hóa tập trung, phát triển các dịch vụ đầu vào để tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành và liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra.
Hoạt động khuyến nông cũng cần tập trung vào huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật, thông tin cơ chế chính sách, thị trường cho người dân. Cần coi trọng phương thức khuyến nông cộng đồng để nâng cao độ đồng đều về nhận thức cho tất cả mọi người. Cần thường xuyên tổng kết và giới thiệu tới mọi người những điển hình, những mô hình thành công, kịp thời phản ánh, báo cáo những khó khăn và bất cập trong chuyển đổi và đề xuất các cấp, các ngành tháo gỡ kịp thời.
Ông Kim Huỳnh Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh, cho hay: “Năm 2015, tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây màu kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh sẽ tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động để việc chuyển đổi có hiệu quả”.
Thùy Dương
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn