Đồng vốn trợ lực vượt ngưỡng nghèo
- Thứ ba - 30/12/2014 02:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng vốn hiệu quả
Bà Võ Thị Hồng Thu, người dân tộc Khmer, ngụ ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Vào năm 2012 tôi được vay 7 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Gia đình tôi không có đất sản xuất, chỉ có mảnh vườn nhỏ nên dành số tiền vay được mua 2 con lợn về nuôi, rồi mua thêm vịt nuôi để cải thiện kinh tế. Nhờ đồng vốn đầu đầu tư vào chăn nuôi mà nhà tôi thoát được nghèo”.
Nhờ đồng vốn vay ưu đãi, ông Hà nuôi cá lóc hiệu quả cao.
Chia sẻ nỗi niềm như bà Thu, ông Liêu Hà, ngụ ấp Thới Trường 2, xã Thới Xuân cũng bộc bạch: “Vì là hộ dân tộc khó khăn, tôi được hỗ trợ cho vay 2 chương trình, 13 triệu đồng ở chương trình cho vay hộ nghèo và 6 triệu đồng ở chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Với số vốn đó, tôi đầu tư hết vào ao nuôi cá lóc, tôi thả khoảng 2.000 con giống, còn dư vốn thì mua thêm vịt để nuôi. Mấy năm nay, kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào ao cá, mỗi đợt nuôi, lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình tôi dần thoát nghèo”.
Bà Thu, ông Hà chỉ là 2 trong nhiều nông dân được tổ chức hội hỗ trợ thoát nghèo. “Thông qua ủy thác của Hội Nông dân, xã có khoảng 400 người dân tộc được vay vốn ở các chương trình, trong đó tập trung nhiều ở 2 ấp Thới Trường 1 và Thới Trường 2. Các hộ dân tộc thiểu số được vay vốn đa số đều chấp hành nộp lãi đúng kỳ hạn. Nhờ vận động hộ vay gửi tiết kiệm nên họ biết tích lũy vốn, nhẹ gánh nặng khi đến hạn trả nợ. Đến nay tổng tiền tiết kiệm do Hội quản lý là trên 450 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Xuân cho hay.
Ưu tiên đồng vốn cho đồng bào dân tộc
“Đến nay, trên toàn huyện Cờ Đỏ đã có 246 hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn với dư nợ hơn 1,5 tỷ đồng. Phòng giao dịch đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các tổ chức hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn nên việc lựa chọn đối tượng người dân tộc vay vốn ngày càng có hiệu quả hơn, xử lý kịp thời nợ đến hạn, hạn chế nợ quá hạn phát sinh” - ông Lưu Đức Phong – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cờ Đỏ cho biết.
Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH chi nhánh thành phố đến cuối tháng 11.2014 đạt hơn 1.280 tỷ đồng với 93.377 khách hàng (tăng 117,6 tỷ đồng so với cuối năm 2013). Ông Lăng Chánh Huệ Thảo – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ cho biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Hội đoàn thể nhận ủy thác nên việc triển khai các chương trình, dự án dành riêng cho người dân tộc đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
“Trong năm 2015, Ngân hàng CSXH thành phố sẽ tranh thủ nguồn vốn trung ương và địa phương để cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và những hộ dân tộc thuộc đối tượng thụ hưởng của các chương trình tín dụng chính sách khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các hộ dân tộc có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn” – ông Thảo nhấn mạnh.