Dự án cạnh tranh nông nghiệp – hiệu quả từ các mô hình liên minh sản xuất
- Thứ hai - 01/07/2013 05:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hỗ trợ LMSX là hợp phần trọng tâm của ACP. Mục tiêu của hợp phần này là tạo mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ở tỉnh ta, sự liên kết này đã được định hình và đang đi đúng hướng.
Đến thăm mô hình LMSX và tiêu thụ sản phẩm cá lóc bông tại xã Xuân Thọ (Triệu Sơn) chúng tôi mới thấy hết được những chuyển biến mà ACP đã đem lại cho vùng đất nghèo này. Anh Trần Duy Báo, một nông hộ tham gia vào LMSX và tiêu thụ cá lóc bông, chia sẻ: Trước đây gia đình tôi nói riêng và 29 hộ dân tham gia LMSX và tiêu thụ cá lóc bông nói chung đều lúng túng trong việc tìm hướng để phát triển sản xuất, nâng cao kinh tế gia đình. Sau khi được ACP hỗ trợ, 30 hộ dân của xã đã tham gia LMSX và tiêu thụ sản phẩm cá lóc bông với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp An Phát, doanh thu của các hộ tham gia so với trước khi tham gia tăng 30%, giá bán tăng 50%. Tuy mới qua 3 vụ nuôi, nhưng LMSX đã tạo được niềm tin vào sự đổi mới trong quá trình sản xuất cho bà con nông dân. Tác động ban đầu này sẽ là động lực thúc đẩy nhiều hộ dân đổi mới, qua đó góp phần tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế tại địa phương.
LMSX chế biến và tiêu thụ hạt giống lúa giữa 264 hộ nông dân thuộc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Định Tiến (Yên Định) và Chi nhánh Công ty Giống cây trồng Trung ương Thanh Hóa với trên 240 ha lúa lai và 120 ha lúa nguyên chủng đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng suất giống lúa lai và giống nguyên chủng lên 20%, tăng giá bán lên 20% đồng thời nâng cao nhận thức trong quá trình sản xuất và sức cạnh tranh cho nông dân, giúp nông dân tự tin, mạnh dạn tiếp cận với tiến bộ mới trong nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Nhân, một nông dân tham gia mô hình LMSX của xã Định Tiến (Yên Định), tâm sự: Nông dân chúng tôi đã sống và gắn bó với nghề trồng lúa, nhưng ít ai dám mơ ước và kỳ vọng có cuộc sống khá giả nhờ cây lúa. Tuy nhiên, từ khi tham gia liên minh, ai cũng tin tưởng gia đình mình sẽ có cuộc sống khấm khá hơn nhờ vào cây lúa nếu biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ quy trình sản xuất đúng theo tiêu chuẩn.
Đến xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), nơi có LMSX thu mua và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn hoạt động từ tháng 7-2011, chúng tôi được anh Nguyễn Thế Công, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp, cho biết: LMSX thu mua và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn là sự hợp tác giữa 45 hộ nông dân chuyên sản xuất rau thuộc HTX vụ nông nghiệp Hoằng Hợp với Công ty TNHH sản xuất và cung ứng rau, quả an toàn VRAT trên diện tích trồng rau 4 ha, thời gian liên minh hoạt động tuy mới được 2/3 như trong kế hoạch, nhưng liên minh đã chứng minh được tính hiệu quả qua thực tế hoạt động, hầu hết nông dân xã Hoằng Hợp đều tin rằng đây sẽ là cơ hội tạo ra phương thức làm ăn mới, giúp phát huy tối đa lợi thế của vùng sản xuất rau truyền thống và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 9 LMSX, hiện đã có 2 LMSX kết thúc, còn lại 7 LMSX đang tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, nhìn lại những LMSX đã kết thúc hỗ trợ hay đang còn hoạt động thì có thể nhận thấy một điểm chung là đã tạo điều kiện cho nông dân làm ăn đơn lẻ biết LMSX và làm ra nông sản có giá trị cạnh tranh cao, dễ tiêu thụ khối lượng lớn và ổn định. Nếu tiếp tục xây dựng và duy trì được mối liên minh trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân thì tin rằng nông nghiệp tỉnh ta sẽ tạo ra được bước đột phá, từng bước cải thiện cuộc sống cho nông dân và góp phần tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới.