Đức Phổ phấn đấu trở thành thị xã của tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2017

Đức Phổ phấn đấu trở thành thị xã của tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2017
Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã có những thay đổi mạnh mẽ.

Nhiều điển hình NTM

Ông Lê Thanh Tân – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây kinh tế huyện còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp  là chính. Thế nhưng, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay huyện Đức Phổ đã có những thay đổi mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

 duc pho phan dau tro thanh thi xa cua tinh quang ngai vao nam 2017 hinh anh 1

 duc pho phan dau tro thanh thi xa cua tinh quang ngai vao nam 2017 hinh anh 2

Chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt đã trở thành nghề sản xuất chính của hàng ngàn nông dân trên địa bàn huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ảnh: T.L

Tổng giá trị sản xuất trong những năm gần đây tăng trên 19%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,10%. Đến nay, huyện Đức Phổ đã có 2 xã (Phổ Vinh, Phổ Hòa) được công nhận đạt chuẩn NTM. Số lượng tiêu chí của các xã đã tăng lên đáng kể, bình quân tăng 5 tiêu chí so với năm 2011. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2020, có 10/14 xã đạt chuẩn NTM.
 

“Cái được lớn nhất là nhận thức của cán bộ và người dân về NTM đã có những chuyển biến rõ rệt. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp nơi. Tiếp đến là bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được cải thiện đáng kể...” – ông Tân phấn khởi nói.

Ông Tân thông tin thêm, nhờ NTM mà hạ tầng cơ sở của Đức Phổ đầu tư đồng bộ. Nhất là hạ tầng đô thị, thị trấn Đức Phổ mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV, đang lập hồ sơ đề án thành lập thị xã Đức Phổ. Giao thông đường trục xã, liên xã được đầu tư nhựa hoá, bê tông hoá 120,56km; đường trục thôn, xóm được bê tông hóa, cứng hóa là 84,09km; đường ngõ, xóm được bê tông hóa, cứng hoá là 73,28km; đường trục chính nội đồng được cứng hoá 34,12km... Hệ thống kênh mương, thủy lợi đã kiên cố được 142,22km kênh mương cấp I, II, III. Thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng 434ha, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân...

Trưởng phòng NNPTNT Đức Phổ Nguyễn Tấn Lái chia sẻ, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, nhiều địa phương như xã Phổ Vinh, Phổ Hoà, Phổ An, Phổ Ninh... có những cách làm hay và hiệu quả đã tạo điểm nhấn ấn tượng và làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt ở nông thôn. “Nhiều hộ không những đóng góp tiền của, vật chất mà còn hiến hàng trăm m2 đất để làm đường, xây dựng chợ... Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Quận ở thôn Đông Thuận, xã Phổ Vinh đã  tự nguyện di dời 52 ngôi mộ của dòng họ và hiến 791m2 đất màu để xây dựng chợ” – ông Lái thông tin.

“Đòn bẩy” từ các mô hình

Xác định phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, kinh tế vườn là “đòn bẩy” để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, trong những năm qua, huyện đã xây dựng quy hoạch theo từng vùng chuyên canh, chuyên sâu với quy mô sản xuất lớn, hiệu quả được huyện đẩy mạnh. Điểm sáng nhất chính là việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM được huyện Đức Phổ triển khai khá hiệu quả.

Cụ thể, các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện thời tiết, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được mở rộng. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

“Năm 2016, các địa phương đã chuyển đổi trên 150ha đất cát bạc màu ven biển và đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao như: Ngô, lạc, mè, bí xanh, ớt... và năm 2017, tiếp tục chuyển đổi 350ha. Bên cạnh đó còn xây dựng các mô hình kinh tế, tiêu biểu như mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng”; trồng thâm canh ngô lai CP333; thâm canh lạc sẻ, lạc L14; lạc trên đất cát bạc màu bằng hệ thống tưới phun; trồng hồ tiêu trên cát, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh; nuôi bò cái lai sinh sản, bò thịt; chăn nuôi gà an toàn sinh học; nuôi tôm trên cát, tôm vùng triều…” – ông Lái cho biết.

Công tác dồn điền đổi thửa góp phần đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng cũng được huyện Đức Phổ triển khai mạnh đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2015 dồn điền đổi thửa đạt 64ha, năm 2016 đạt 370,2ha, năm 2017 tiếp tục thực hiện theo kế hoạch 555ha... Tái cơ cấu chăn nuôi đang đúng hướng với mô hình bò sinh sản, bò thịt và mô hình chăn nuôi bò trở thành nghề sản xuất chính của hàng ngàn nông dân trên địa bàn. Hiện nay tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn huyện đạt hơn 90%.

Kinh tế thủy sản có những bước tiến đáng kể, nhiều đối tượng nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao phát triển như: Tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, hàu Thái Bình Dương... Toàn huyện Đức Phổ có 1.472 chiếc tàu đánh bắt thủy sản, với tổng công suất 439.608CV, trong đó tàu thuyền trên 90CV là 1.122 chiếc, với tổng công suất 422.791CV...

Ở huyện Đức Phổ hiện nay có nhiều mô hình kinh tế và hộ làm kinh tế giỏi. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến hộ ông Trần Ngọc Cường (xã Phổ Vinh), sản xuất gạch không nung, chăn nuôi bò; ông Lê Hùng Kiếm xã Phổ Vinh, trồng tiêu trên đất cát… Những mô hình này cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Phát triển lên thị xã trong năm 2017

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi mà kinh tế của Đức Phổ tiếp tục phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất trong những năm gần đây tăng trên 19%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông – lâm – ngư nghiệp chiếm tỉ trọng 17,97%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,03% và thương mại - dịch vụ chiếm 39%. Tính đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,10% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).

Ông Lê Thanh Tân chia sẻ thêm, mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, song sản xuất của ngành nông nghiệp của huyện vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhất là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp không ổn định, việc liên kết “4 nhà” vẫn còn lỏng lẻo. Các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, có nơi, có lúc việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn bị xem nhẹ, nhất là việc triển khai còn lúng túng trong việc xác định cây trồng, vật nuôi để đầu tư phát triển.

“Để tạo bức phá trong phát triển kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM hiệu quả, thời gian tới Đức Phổ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch phù hợp với Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của huyện. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, tiếp tục thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn và tích cực triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp của huyện với các doanh nghiệp lớn” – ông Tân khẳng định.

Từ khi triển khai chương trình NTM đến nay, Đức Phổ đã có 2 xã đạt chuẩn NTM (Phổ Vinh, Phổ Hòa) và phấn đấu đến cuối năm 2017 tăng thêm 2 xã (Phổ Ninh, Phổ An) đạt chuẩn và các xã còn lại số tiêu chí tăng lên, bình quân tăng 5 tiêu chí so với năm 2011. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2020, có 10/14 xã đạt chuẩn NTM và giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.

“Tập trung phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện, gắn kết chặt chẽ giữa khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với phát triển dịch vụ nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình và nâng cao chất lượng phục vụ. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển huyện Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào cuối năm 2017” – ông Tân khẳng định.

Theo Đoàn Hồng - Trần Hậu/Dân Việt.vn