Gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản

Gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản
Cuối năm 2017, tỉnh ta triển khai thí điểm phần mềm tem điện tử thông minh, ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản với một số sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn. Qua đó, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết, phân biệt giữa sản phẩm địa phương với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Quản Bạ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè Tùng Vài (Quản Bạ) trên thiết bị điện thoại thông minh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Quản Bạ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè Tùng Vài (Quản Bạ) trên thiết bị điện thoại thông minh.

Thời gian qua, một số mặt hàng đặc sản của tỉnh như: Chè, cam Sành, mật ong Bạc hà, thịt lợn hun khói đã được triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX giữ vững thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về sản phẩm bằng chữ, âm thanh, hình ảnh… và tìm mua qua ứng dụng thương mại điện tử, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại.

Đặc biệt, cung cấp công cụ hữu ích cho cơ quan chức năng trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. Sau khi tập huấn về tem thông minh, các hộ kinh doanh, HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của việc gắn tem truy xuất nguồn gốc. Giám đốc Công ty TNHH Trường Anh (Đồng Văn), Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Sản phẩm mật ong của doanh nghiệp được gắn tem điện tử từ cuối năm 2017. Từ đó, sản phẩm của chúng tôi được đón nhận nhiều hơn, người tiêu dùng đã có thể tra cứu thông tin trước khi mua hàng”.

Theo chị Dương Lan Hương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương): Sở đã tham mưu cho tỉnh và phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT lựa chọn doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ và sản phẩm được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý có số lượng lớn như: Chè, cam, mật ong, thịt lợn để xây dựng tem điện tử bằng mã QR-code truy xuất nguồn gốc trên thiết bị điện thoại thông minh. Sở cũng phối hợp với Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Smart life, tổ chức tập huấn ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản cho doanh nghiệp, HTX và người tiêu dùng. Nhờ gắn tem, đã nâng giá trị của sản phẩm nông sản khi trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị Kết nối cung cầu do tỉnh ta tổ chức tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; triển lãm Việt Nam đối tác tin cậy và giàu tiềm năng trong khuôn khổ Hội nghị APEC và Không gian Văn hóa gắn với trưng bày giới thiệu sản phẩm của tỉnh.

Khó khăn hiện nay, là việc cấp tem cho các sản phẩm thịt tươi sống. Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có sản phẩm thịt lợn đen hun khói, lạp sườn và xúc xích lợn đen của HTX Hải Khang (Bắc Quang) đã tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ, được kết nối để dán tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, sản phẩm thịt lợn tươi sống vẫn chưa được gắn tem do theo quy trình của nhà cung cấp tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì nhận diện, truy xuất nguồn gốc phải được kiểm soát từ khâu chăn nuôi, đến khi lợn được xuất chuồng, qua khâu giết mổ, vận chuyển, kinh doanh tại các chợ và đến người tiêu dùng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp, tổ chức chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn tươi sống nào có năng lực đảm bảo cung ứng sản phẩm đạt yêu cầu trên.

Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục triển khai ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ và các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh. Đối với mặt hàng thịt lợn, để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất và chăn nuôi, cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại để chủ động nguồn cung sản phẩm sạch, an toàn. Với mục tiêu trên, ngành Công thương sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch, triển khai ứng dụng tem điện tử đối với sản phẩm thịt lợn và gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Theo Lê Hải/baohagiang.vn