Ghi nhận sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững” được triển khai thực hiện từ vụ đông năm 2014-2015.
Thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh ta đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong ảnh: Một trang trại tại xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa).
Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn chỉnh các đề án, quy hoạch, cơ chế chính sách làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các địa phương trong tỉnh cũng đồng loạt triển khai thực hiện chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án đã giúp thay đổi tư duy của toàn xã hội về nhu cầu và quyết tâm đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đại bộ phận nông dân đều nhận thức được phải chuyển mạnh từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động sang đầu tư về khoa học - công nghệ và cải tiến quản lý, chuyển từ thị trường giá thấp và dễ tính về chất lượng sang thị trường giá cao với yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe hơn. Không những thế, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn giúp cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế và nhu cầu thị trường, sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm được thúc đẩy, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, nền nông nghiệp đã có những chuyển biến về chất và lượng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ được đẩy mạnh, nên năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng được cải thiện đáng kể. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 12.927 ha đất lúa và 4.624,5 ha đất mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Phát triển được 132.000 ha lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao, 8.370 ha ngô thâm canh, 7.349 ha mía thâm canh, 379 ha rau an toàn... Bên cạnh đó, tỉnh ta đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao, như: Mô hình ứng dụng ngô biến đổi gen, quy mô 50 ha tại huyện Thọ Xuân; mô hình sản xuất mía thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 283 ha của Công ty CP Mía đường Lam Sơn; mô hình liên kết sản xuất khoai tây gần 1.000 ha của Công ty An Việt; mô hình liên kết sản xuất rau quả tại các huyện Hậu Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa...
Đối với chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là phát triển trang trại. Chăn nuôi nông hộ được củng cố theo hướng an toàn, bền vững, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư đầu vào và sản phẩm chăn nuôi được quản lý chặt chẽ hơn. Nhiều địa phương đã phát triển được các con nuôi có lợi thế, như: Bò sữa 5.628 con, bò thịt chất lượng cao 14.000 con, lợn hướng nạc 345.000 con, gà lông màu 5,7 triệu con, con nuôi đặc sản 602.000 con... Nhờ đó, năng lực sản xuất lĩnh vực chăn nuôi đã tăng cao. Bên cạnh đó, tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng chăn nuôi đã định hình rõ rệt  theo hướng tái cơ cấu vùng, chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc tập trung ở các huyện đồng bằng và trung du, chăn nuôi bò sữa phát triển ở các nông trường được chuyển đổi thành Công ty TNHH 2 thành viên như Nông trường Yên Mỹ, Nông trường Thống Nhất và các huyện phụ cận, đàn gà lông màu phát triển ở các vùng có lợi thế, đảm bảo môi trường và con nuôi đặc sản được phát triển tập trung ở vùng núi và trung du. Toàn tỉnh cũng đã thu hút và triển khai thực hiện được các dự án chăn nuôi quy mô lớn, như: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận (Như Thanh); Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa xây dựng các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con, tại huyện Yên Định...
Lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng theo hướng tăng diện tích rừng kinh tế, năng suất và chất lượng rừng trồng ngày càng được cải thiện, phát triển rừng gỗ lớn được đẩy mạnh, giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, tiêu thụ sản phẩm được nâng lên. Toàn tỉnh đã phát triển được 40.450 ha rừng gỗ lớn, 20.360 ha rừng luồng thâm canh, khai thác được 94.000 ha cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, đã hình thành và phát triển mạng lưới sản xuất giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng, nhiều mô hình nông - lâm kết hợp, trồng rừng gỗ lớn, luồng thâm canh đã được nhân ra diện rộng.
Đối với lĩnh vực thủy sản đã áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận an toàn, phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Cơ cấu khai thác hải sản chuyển dịch tích cực, chuyển từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào khai thác.
Với những kết quả đã đạt được ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh tái  cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Theo Hương Thơm/baothanhhoa.vn