Gia Lai xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh cây trồng

Thu hoạch mía bằng máy cắt hiện đại tại cánh đồng mía xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.

Thu hoạch mía bằng máy cắt hiện đại tại cánh đồng mía xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.

Việc xây dựng các cánh đồng lớn chuyên canh cây trồng là hướng đi mới của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai những năm qua. Đây cũng được xem là “cú huých” trong thay đổi tư duy sản xuất, dần chuyển sang phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong cuộc sống của người nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Là địa phương thuần nông của tỉnh Gia Lai, thừa hưởng một vùng chuyên canh cây lúa rộng lớn với hơn 6.000 ha, có công trình thủy lợi Ayun Hạ có sức tưới cho diện tích 13.500 ha, huyện Phú Thiện được ví như vựa lúa không chỉ của Gia Lai mà còn cả vùng Tây Nguyên. Thế nhưng, do người dân sản xuất theo tập quán cũ, truyền thống cho nên năng suất không cao. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Phú Thiện chiếm tới gần 34%, có đến 24 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để thoát nghèo, từ năm 2016, huyện Phú Thiện triển khai mô hình xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phú Thiện Mai Ngọc Quý cho biết, sau ba vụ triển khai cánh đồng lớn, năng suất, chất lượng lúa gạo của huyện được nâng lên rõ rệt; lợi nhuận tăng hơn 6 triệu đồng/ha; riêng cây lúa trong vụ đông - xuân 2016-2017 vừa qua đạt năng suất 7,5 đến 8 tấn/ha. So với năng suất bình quân cả vụ đông xuân, năng suất lúa ở cánh đồng mẫu lớn cao hơn khoảng 1 tấn/ha; nông dân thu nhập 35 đến 40 triệu đồng/ha. 

Qua việc triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống, chất lượng hạt lúa cũng đồng đều hơn so với trồng đại trà cho nên được các doanh nghiệp thu mua nông sản lựa chọn, qua đó tạo sự liên kết, gắn bó giữa nông dân với doanh nghiệp, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài.

Nông dân xã Nam Yang (huyện Đác Đoa) tham gia cánh đồng lớn cà-phê.

Từ thành công bước đầu trong sản xuất lúa, năm 2017, huyện Phú Thiện phối hợp với Nhà máy mía đường Thành Thành Công, Gia Lai triển khai xây dựng các cánh đồng lớn trồng mía và chọn bốn thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Chư A Thai để làm điểm trên diện tích 80 ha. Huyện đã xuất ngân sách 1 tỷ đồng đầu tư khoan 16 giếng bơm và xây dựng đường điện hạ áp đến trung tâm cánh đồng Chư A Thai cho hệ thống bơm tưới phun tiết kiệm. Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đầu tư 15 tỷ đồng để san ủi, đầu tư ban đầu cho bà con trồng mía. Từ vùng đất trước đây không có nước tưới, chỉ trồng lúa rẫy và cây mì (sắn) nay được xây dựng thành cánh đồng mía cho thu nhập cao hơn khiến bà con rất phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình.

Anh Đinh Tuy, một trong số 100 hộ đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Bông, xã Chư A Thai, đã tự nguyện góp đất để xây dựng cánh đồng 80 ha cho biết: Trước đây, gia đình tôi có 4 sào đất, chủ yếu trồng mì nên thu nhập thấp, chỉ được khoảng 5 triệu đồng/năm. Được chính quyền vận động, tôi tự nguyện góp đất, chuyển sang trồng mía, thu nhập cao hơn gấp hai lần. Gia đình tôi và bà con rất an tâm, vì đất của mình góp vẫn được chính quyền cấp sổ đỏ, xác định quyền chủ sở hữu. 

Cùng với huyện Phú Thiện, mô hình cánh đồng mía lớn được Nhà máy Đường An Khê (thị xã An Khê) triển khai tại bốn địa phương phía đông tỉnh từ niên vụ 2012-2013. Từ 320 ha thí điểm, đến nay diện tích mía áp dụng theo mô hình đã lên đến hơn 1.000 ha và không ngừng được nhân rộng bởi có hiệu quả rõ rệt. Thống kê năng suất thực thu trên những diện tích mía theo mô hình cánh đồng lớn qua các vụ của nhà máy cho thấy, năng suất bình quân đạt 116,33 tấn/ha, cao hơn những diện tích làm cơ giới hóa nhỏ lẻ từ 10 đến 20 tấn/ha, cao hơn diện tích trồng truyền thống 30 đến 40 tấn/ha. Kết quả này tạo cho người trồng mía sự phấn khởi, củng cố thêm lòng tin để họ tiếp tục nhân rộng mô hình.

Anh Nguyễn Hữu Khiêm, ở thôn Tân Hội (xã Tân An, huyện Đác Pơ) cho biết, 8 sào mía của anh những năm trước năng suất đạt không quá 80 tấn/năm, sau khi trừ chi phí, chỉ lãi 20 triệu đồng. Tham gia cánh đồng mía mẫu lớn được áp dụng cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc, được hỗ trợ cước vận chuyển nên chi phí giảm gần 3 triệu đồng/ha. Theo tính toán của anh Khiêm, 1 ha ở cánh đồng mía mẫu lớn của thôn Tân Hội, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 30 đến 35 triệu đồng. 

Còn Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đác Pơ Đoàn Minh Duy khẳng định: Mía sẽ là cây làm giàu cho nông dân khi thực hiện cánh đồng lớn. Trước đây, người trồng mía chỉ “bơm hai lần cỏ, bỏ hai lần phân”, trông chờ vào nước trời, thì nay tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn chuyên canh cây trồng, người dân được hưởng lợi nhiều mặt khi doanh nghiệp giảm đầu tư qua đại lý, tăng đầu tư trực tiếp cho nông dân, được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các chương trình khuyến nông, được áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc, thu hoạch.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, năm 2018, tỉnh đề ra chỉ tiêu xây dựng 33 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.936 ha, đến nay đã có sáu tổ chức, cá nhân (gồm ba doanh nghiệp và ba HTX) liên kết với nông dân lập tám dự án, tổng diện tích gần 2.600 ha/23 cánh đồng lớn. Trong số này có năm dự án lập 18 cánh đồng mẫu lớn với 2.200 ha mía; hai dự án lập hai cánh đồng với gần 200 ha cà-phê; hai dự án hai cánh đồng diện tích hơn 190 ha lúa. Tổng kinh phí dự kiến gần 762 tỷ đồng. 

Tại Phú Thiện, đến nay sau ba năm triển khai, toàn huyện đã hình thành được 17 cánh đồng lớn, với diện tích gần 700 ha chuyên canh các loại lúa một giống như: LH12, OM4900, TBR225, với 1.645 hộ dân tham gia (trong đó có 336 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 62 hộ nghèo và 67 hộ cận nghèo); tám cánh đồng lớn chuyên canh mía với diện tích gần 200 ha, Phú Thiện trở thành địa phương đi đầu của tỉnh Gia Lai về thực hiện chủ trương này. Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành cho biết, các mô hình cánh đồng lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng bán, sang nhượng đất trái phép, giúp các hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Theo số liệu của Nhà máy Đường An Khê, qua ba niên vụ, nhà máy đã thực hiện được hơn 1.000 ha cánh đồng mía mẫu lớn tại bốn địa phương phía đông của tỉnh, với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng; trong đó đầu tư không thu hồi 6,5 tỷ đồng, còn lại đầu tư có thu hồi vốn nhưng không tính lãi suất. Cụ thể, huyện Kông Chro; 538,8 ha; huyện Đác Pơ: 257,1 ha; huyện Kbang: 206,4 ha và thị xã An Khê: 52,8 ha. Hiệu quả thực tế cho thấy, năng suất mía bình quân ở cánh đồng mẫu lớn đạt hơn 110 tấn/ha, tốc độ tăng năng suất mía cao hơn 40%; chi phí sản xuất mía giảm hơn 30% so với sản xuất đại trà. 

Trưởng phòng Đầu tư - Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê Nguyễn Hoàng Phước cho biết: Theo dự kiến, diện tích trồng mía sẽ tăng lên 5.000 ha vào năm 2020. Nhằm phục vụ kế hoạch này, nhà máy thường xuyên đầu tư, cải tiến thiết bị cơ giới để phù hợp với điều kiện và địa hình của từng ruộng mía, tăng dần quy mô sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhà máy đã mua hơn 150 máy cày chuyên dụng, hơn 400 thiết bị để phục vụ nhu cầu làm đất, trồng, chăm sóc và bón phân… 

Từ tháng 3-2015, nhà máy đã đầu tư máy thu hoạch mía liên hợp với công suất bình quân 300 tấn mía/ngày (tương đương khoảng 200 công lao động thu hoạch và bốc xếp lên xe/ngày); giúp giảm chi phí thu hoạch khoảng 50.000 đồng/tấn so với thu hoạch thủ công, giảm tổn thất ít nhất 3 đến 5 tấn/ha nhờ chặt sát gốc mía. Rác mía được băm nhỏ, trả lại cho đất để làm phân và giữ ẩm cho mía trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, nhà máy sẽ đầu tư thêm 100 máy cày lớn và 5 đến 10 máy thu hoạch mía. Việc xây dựng những cánh đồng lớn ở Gia Lai là hướng đi đúng, tạo chuỗi giá trị hàng hóa tập trung với quy mô lớn, góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

 

Bài và ảnh: PHAN HÒA/nhandan.vn