Giá trị của cơ giới hóa sản xuất lúa
- Thứ bảy - 26/11/2016 08:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giải phóng sức lao động
Bà Yên cho biết, công việc nhà nông trước vất vả 10 phần nay chỉ còn 2, 3. Các khâu từ làm đất, gieo mạ, cấy lúa đến thu hoạch đều thực hiện bằng máy nên không còn cảnh đầu tắt mặt tối như xưa nữa. “Các con tôi giờ thích làm đồng hơn các công việc khác bởi vừa thảnh thơi, lại tiết kiệm được chi phí và có thời gian làm thêm, cải thiện thu nhập”, bà Yên khoe.
HTX Hương Ngải là một trong những đơn vị tiêu biểu thực hiện cơ giới hóa sản xuất lúa, đặc biệt trong việc mở rộng mô hình cơ giới hóa đồng bộ gắn với tổ chức dịch vụ các khâu từ làm đất đến thu hoạch. Từ 1 máy cấy được hỗ trợ thực hiện 10ha mô hình máy cấy mạ khay vụ Xuân năm 2012, đến nay HTX đã có 4 máy cày, 3 máy cấy, 2 máy gặt đập liên hợp phục vụ cho hơn 30% diện tích lúa, tương đương 100ha mỗi vụ. Trong đó, khâu làm đất đã cơ giới hóa 100%, thu hoạch lúa đạt 80%. Tổ dịch vụ hoạt động hiệu quả với mức phí 30.000 đồng/sào cho 3 khâu làm đất, cấy và thu hoạch, được người dân ủng hộ. Đặc biệt, nhờ cơ giới hóa đồng bộ, HTX Hương Ngải đã kịp thời khắc phục những biến động thất thường của thời tiết cũng như tình trạng thiếu sân phơi ảnh hưởng tới bảo quản thóc sau thu hoạch. “Vào chính vụ thu hoạch, lò sấy của HTX luôn hoạt động hết công suất”, ông Nguyễn Đỗ Ban, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hương Ngải cho biết. Nhờ vậy, làm giảm tỷ lệ tổn hao của lúa sau thu hoạch giảm và tăng tỷ lệ gạo sau xay xát.
Máy cấy lúa trên đồng huyện Ứng Hòa, Hà Nội | Ảnh: Văn Duy |
Khác với Hương Ngải, HTX Phú Thắng, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên có trên 200ha lúa thực hiện mô hình cơ giới hóa từ năm 2012 ở khâu làm đất và cấy máy. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Phú Thắng Trần Mạnh Dầu, điểm nổi bật và thành công của Phú Thắng là tổ chức sản xuất và dịch vụ cho nông dân giá thể mạ khay, quy mô mỗi năm một tăng. Năm 2016, tổ dịch vụ của HTX đã sản xuất được 200 tấn giá thể, cung cấp cho nông dân trong xã 100 tấn, tương đương 100ha. Số còn lại phục vụ nhu cầu của các xã lân cận. Hiện HTX đang phối hợp với doanh nghiệp sản xuất phân vi sinh nâng cao năng suất và mở rộng quy mô sản xuất giá thể mạ khay, tiến tới phục vụ cho toàn bộ các xã trong huyện.
Tăng năng suất, thu nhập
Theo Sở NN - PTNT Hà Nội, đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng từ 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ và giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2 - 3%. Cơ giới hóa đã thay thế lao động thủ công, phân công lại lao động trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bảo đảm chất lượng giống, quá trình sinh trưởng và phát triển cho cây lúa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Trên thực tế, hàng trăm hộ nông dân xã Hương Ngải cùng tham gia mô hình với bà Yến đều khẳng định, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã đã giảm tối đa chi phí sản xuất cho nông dân. Tham gia mô hình, nông dân chỉ phải chi phí 400.000 đồng/sào, thay vì 600.000đồng/sào khi sản xuất lúa thủ công.
Giám đốc Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội Lê Văn Minh cũng khẳng định, tổng chi phí cho ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất từ làm đất, gieo mạ khay, cấy máy đến thu hoạch chỉ mất khoảng 2.800 đồng/kg thóc. Trong khi đó, làm theo phương pháp truyền thống hết khoảng 4.500 - 5.000 đồng/kg thóc. “Như vậy, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ thu lợi chênh lệch gần 2 triệu đồng/tấn thóc”, ông Minh nói.
Theo đánh giá của Sở NN - PTNT Hà Nội, hiện nay TP đã đầu tư 9 khâu cơ giới hóa trong hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt cao - 95%, các khâu khác như thu hoạch, cấy và phun thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn khiêm tốn. Đặc biệt, khâu cấy máy mới chỉ bao phủ được 2,55% tổng diện tích gieo cấy toàn thành phố. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp Hà Nội vẫn mang tính nông hộ quy mô nhỏ, tính hàng hóa thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn và “giải bài toán này không thể một sớm một chiều”, đại diện Sở NN - PTNT Hà Nội chia sẻ.
Trước năm 2013, số lượng máy làm đất toàn TP Hà Nội chỉ bảo đảm được hơn 69% diện tích đất nông nghiệp; máy cấy 0,04%; máy gặt đập liên hợp 7,8%; máy phun thuốc sâu 15%, thì đến nay đã tăng lên và lần lượt bảo đảm cho 95%; 2,55%; 52% và 30% diện tích đất nông nghiệp. Đây được coi là bước đột phá của ngành trồng trọt Hà Nội. Bên cạnh việc đầu tư 9 khâu cơ giới hóa trồng trọt và chăn nuôi, Hà Nội còn hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng cho các hợp đồng vay vốn mua máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Giai đoạn 2012 - 2016, có 122 hộ vay tiền ngân hàng mua 140 máy, đến nay đã hỗ trợ tiền lãi suất ngân hàng hơn 4 tỷ đồng. |