Gian nan tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồi núi
- Thứ năm - 30/11/2017 19:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
BÀI 3 Những nút thắt cần tháo gỡ
Thực tế triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các tỉnh miền núi, miền trung gần bốn năm qua cho thấy mặc dù các địa phương đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tìm ra được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, hình thành nhiều vùng chuyên canh mới nhưng nhiều mô hình sản xuất lại không bền vững, một số nơi chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp còn khá lúng túng, bị động trong triển khai theo các nội dung đề án tái cơ cấu mà Chính phủ đã phê duyệt...
Nhiều khó khăn phát sinh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT), kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Cùng với năng suất, chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; tình trạng buôn bán vật tư giả, chất lượng kém, lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất vẫn diễn ra phức tạp. Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Nguyên nhân có nhiều nhưng quan trọng nhất là vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai, việc triển khai thực hiện nhiều chủ trương chính sách đã ban hành còn chậm. Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học - kỹ thuật của các tổ chức nhà nước đạt hiệu quả chưa cao, trong khi sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế. Cùng với đó, nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn hẹp.
Tại Quảng Trị, sản xuất nông nghiệp trong những năm qua vẫn còn nhiều yếu kém do cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn chuyển dịch còn chậm; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa mang tính hàng hóa và chất lượng nông sản chưa đồng đều; công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông, thủy sản còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm còn thấp, nông sản sản xuất được chủ yếu vẫn tự sản tự tiêu, giá thành cao, không ổn định, chưa tạo được thương hiệu, địa chỉ sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, khả năng cạnh tranh với thị trường còn yếu; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ còn nhiều hạn chế; chính sách cho nhân rộng mô hình chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, nhất là vùng đồng bào dân tộc với cuộc sống còn rất nhiều khó khăn; tỷ lệ đầu tư cho hạ tầng thấp, chưa có đầu tư để phát triển sinh kế. Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như kinh tế hợp tác thể hiện chưa rõ nét, chưa thích ứng cơ chế thị trường; quy mô nhỏ bé, trình độ, năng lực quản lý của nhiều cán bộ HTX còn hạn chế; hoạt động hỗ trợ cho kinh tế hộ còn đơn điệu, chủ yếu là dịch vụ đầu vào, sản xuất chưa tập trung; kinh tế trang trại tuy phát triển qua từng năm nhưng quy mô còn nhỏ, giá trị thấp. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng hỗ trợ cho các chủ thể vay vốn để phát triển sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bất cập và chưa tương thích giữa cơ chế với triển khai thực hiện.
Từ năm 2011 đến nay, Quảng Bình liên tục được mùa sản xuất nông nghiệp, năm 2011 và 2012 đạt 281 nghìn và 284 nghìn tấn, năm 2017 đạt 310 nghìn tấn; diện tích có giá trị hơn 50 triệu đồng/ha/năm đến hết năm 2016 có 18.600 ha, chiếm 18% diện tích canh tác; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận chiếm 66%, lúa chất lượng cao chiếm 52,8%, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung; một số cây trồng như lúa, sắn, ớt bước đầu đã có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân, nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác tiên tiến được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, đến năm 2017 đã liên kết thực hiện cánh đồng mẫu lớn gần 7.000 ha. Tuy nhiên, theo Sở NN - PTNT tỉnh, tái cơ cấu ngành còn chậm là do quy mô sản xuất còn nhỏ, diện tích manh mún, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nhất là thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp.
Sản xuất nấm sạch ở HTX Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình).
Tại Hà Tĩnh, theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Lê Đức Nhân, qua một thời gian thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình đưa các giống lúa thuần Xi 23, NX 30, KD18, DV108... vào sản xuất, đã cho năng suất 5,5 - 6 tấn/ha (có nơi đạt 7 đến 7,5 tấn/ha), góp phần thay đổi các giống xuân sớm để chuyển sang xuân trung, xuân muộn nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành 161 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 300 đến 6.000 con với tổng đàn lợn hơn 495.000 con; xây dựng mới 25 cơ sở nái ngoại (quy mô 300 con trở lên), nâng tổng số lên 31 cơ sở với tổng đàn nái ngoại đạt 21.007 con. Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh chỉ đạo nuôi thâm canh tăng năng suất và sản lượng, tăng vụ, xen vụ trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, nuôi an toàn để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích ở tất cả các đối tượng nuôi gắn với bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, diện tích nuôi thâm canh công nghệ cao đạt 830 ha, tăng gấp ba lần so với năm 2010. Tuy nhiên, ở Hà Tĩnh, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ; số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu vào lĩnh vực trồng trọt ít. Công tác kết nối thị trường đang gặp khó khăn, bộc lộ rõ nhất là ở sản phẩm lạc, cam, bưởi, rau các loại chủ yếu tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, tư thương.
Cần những giải pháp đột phá
Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân cho rằng, thời gian tới cần đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt quan tâm thủy lợi phục vụ cây trồng cạn. Tiếp tục nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. Định hướng thị trường tiêu thụ nông sản ngắn hạn, dài hạn để xây dựng kế hoạch sản xuất thích hợp, đạt hiệu quả cao nhất. Quản lý quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi bảo đảm đúng quy hoạch; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trên các vùng quy hoạch được duyệt; từng bước hạn chế chăn nuôi gia trại, chăn nuôi quy mô nhỏ trong khu dân cư.
Cũng về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Quảng Bình Mai Văn Minh, cần thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa; khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích mạng lưới thương lái phát triển làm đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; tăng cường liên kết giữa nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chế độ ưu đãi vay vốn, lãi suất ngân hàng để giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận đầu tư phát triển sản xuất.
Để khắc phục những khó khăn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 16-11-2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành ba cấp sản phẩm, gồm nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm”.
Bên cạnh đó, Quyết định 1819 cũng đưa ra các giải pháp nhằm cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đối với trung du miền núi phía bắc, cần tập trung phát triển các cây công nghiệp có lợi thế (chè, cây ăn quả, cây dược liệu), lúa chất lượng cao, lúa bản địa có giá trị kinh tế cao; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc. Vùng Bắc Trung Bộ chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để né tránh thiên tai; hình thành những vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả có múi. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, phát triển các loại cây trồng chịu hạn và các cây đặc sản của vùng (nho, thanh long, xoài...) theo tiêu chuẩn VietGAP, EuroGAP. Vùng Tây Nguyên phát huy lợi thế phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp chủ lực là cà-phê, điều, hồ tiêu, cao-su, chè; phát triển chăn nuôi gà, lợn, bò sữa và bò thịt theo mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao...
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29-11-2017.
Bài 1 Những mô hình làm giàu trên đất khó
Bài, ảnh: TRUNG HÙNG NGỌC,
GIANG HAI và HỒNG TUẤN