Gieo hạt trên “cánh đồng kiểu mới”
- Thứ sáu - 28/10/2016 22:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đứng chân tại thôn Cao Kiên, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phương Anh thành lập năm 2011 và là một trong những HTX đầu tiên của xã Tân Trung, chuyên sâu vào lĩnh vực xây dựng dân sự. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Đình Phương, bây giờ là Giám đốc HTX, đã có mấy chục năm lăn lộn trên thương trường.
Xưởng nấm của HTX NN Phương Anh.
Không còn chuyện “muốn thì làm, thích thì nghỉ”
Đầu năm 2015, HTX Phương Anh thực hiện chuyển đổi theo mô hình hoạt động sang HTX kiểu mới (thực hiện theo Luật HTX năm 2012) với 7 thành viên. Hội đồng quản trị (HĐQT) gồm 4 thành viên và có trên 20 thành viên liên kết tự nguyện gắn bó suốt đời với HTX. Sau khi tái ổn định cơ cấu tổ chức HTX, các tổ lao động lại phân ra theo các mô hình chuyên biệt nhằm xốc lại vai trò, nhiệm vụ của HTX Phương Anh để nhanh chóng bắt tay vò vận hành theo mô hình mới.
“Sau khi chuyển đổi uy tín niềm tin đối với HTX tăng lên. Công việc nhiều hơn. Trước đây, khi chưa chuyển đổi, Chủ nhiệm HTX chịu trách nhiệm tất cả, muốn làm muốn nghỉ không vấn đề gì. Giờ trách nhiệm của ông Giám đốc cao hơn trước. Muốn làm tốt, ngoài cố gắng cần nhất là phải học hỏi thêm nhiều” - Ông Nguyễn Đình Phượng – Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX Phương Anh cho biết.
Một công trình do HTX NN Phương Anh xây dựng.
Hoạt động theo mô hình kiểu mới, đa ngành nghề, nhưng mũi nhọn của HTX Phương Anh vẫn là nghề xây dựng. Các công trình HTX thực hiện là trường học, đường giao thông, đình chùa. Trung bình mỗi 1 năm, HTX nhận làm 4- 5 công trình. Từ đầu năm 2016 đến nay, công trình xây dựng chùa của thôn Tân Long, xã Tân Trung này là công trình thứ tư mà HTX đang thực hiện.
Ở nông thôn hiện nay, lao động trong lĩnh vực xây dựng ngày một hiếm, nhất là với thợ có tay nghề cao. Tuy nhiên với HTX Phương Anh thì khác hẳn, khi có cả một đội thợ đông đảo, có tay nghề và tận tình trong công việc. Để có được điều này, ông Phượng cho biết công việc đều, có thu nhập cho người lao động là chưa đủ mà phải hiểu họ nữa. Người lao động là nông dân ngoài việc đi làm, còn khá nhiều những hoạt động khác, nhất là giỗ chạp, cưới xin, rồi đồng áng, do vậy phải linh hoạt xử lý tạo điều kiện cho họ, khi ốm đau, hoạn nạn cần sự chia sẻ, HTX có giúp đỡ hỗ trợ. Ngoài lương, người lao động còn được thưởng và thăm hỏi động viên mỗi khi có công việc riêng, từ đó người lao động yên tâm gắn bó với HTX. Ông Nguyễn Văn Cứ -Tổ trưởng tổ xây dựng HTX Phương Anh cho biết, thu nhập trong tổ của ông thường từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Thêm lợi nhuận từ nấm sò, lợn và thủy sản
Chuyên tâm trong nghề xây dựng, nhưng từ lâu nay, ông Nguyễn Đình Phượng đã ấp ủ về một HTX đa ngành nghề. Năm 2011, từ làng Cao Kiên, ông mua 6.000 m2 đất rìa làng làm trang trại. Năm 2013, được sự trợ giúp của cán bộ chuyên môn Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường huyện, Trung tâm Nấm Bắc Giang, HTX Phương Anh bắt tay vào triển khai mô hình sản xuất trồng nấm sò. Theo chương trình này HTX được hỗ trợ một phần giống nấm, nhà xưởng sản xuất và tập huấn kỹ thuật làm nấm. Năm 2014, HTX tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng mua thêm 4.000 m2 đất, và 1 tỷ đồng làm 4 dãy nhà xưởng, diện tích trên 900m2, sau đó HTX mua thêm lò hơi thanh trùng nguyên liệu để xử lý sản phẩm bài bản, hướng tới làm nấm chất lượng cao.
Huyện Tân Yên vốn trồng nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ thuộc diện sớm nhất trong tỉnh. Nhưng nghề làm nấm trồi sụt, loanh quanh ở vài xã, trước là Cao Xá, Đại Hóa, nay là Ngọc Châu, Quế Nham, nhưng hầu hết qui mô nhỏ, kỹ thuật làm nấm chưa tinh thông. Vì vậy,HTX Phương Anh là đơn vị duy nhất tại Tân Yên có qui mô nhà xưởng sản xuất nấm theo lối hiện đại. Năm 2015, sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX 2012, chỉ riêng với xưởng nấm, HTX Phương Anh đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động ở địa phương. Chị Nguyễn Thị Ngát, thôn Gia Tiến – thành viên HTX Phương Anh cho biết, chị cùng hơn 10 người khác được HTX Phương Anh cho đi học lớp kỹ thuật làm nấm 3 tháng, sau đó làm nấm tại xưởng của HTX, lương tháng giờ là 4 triệu đồng. Với lao động thời vụ, HTX trả 130.000 đồng/ngày.
Cũng trong năm 2015, HTX sản xuất được hơn 5 vạn bịch nấm sò và mộc nhĩ, trừ chi phí, xưởng nấm cho lợi nhuận 200 triệu đồng. Năm 2016, HTX đã đầu tư trên 150 triệu đồng làm 5 vạn bịch nấm sò và mộc nhĩ. Tại thời điểm này, nấm sò đang vào vụ thu hoạch chính, sản phẩm được giao cho các cơ sở bán hàng tại Bắc Giang với giá 27.000 đồng/kg.
Không dừng lại ở nghề nấm, năm 2016 HTX Phương Anh tiếp tục đầu tư xây dựng 200m2 chuồng trại và tổ chức chăn nuôi. Bước đầu HTX nuôi 40 con lợn thịt mỗi lứa. Thời gian tới, HTX này sẽ xây dựng thêm 20 ô chuồng, đủ để nuôi 100 đầu lợn mỗi lứa.
Để đa dạng hóa sản xuất và “bỏ trứng nhiều giỏ”, HTX còn cải tạo lại trên 2.200 m2 ao nuôi thủy sản. Cho đến nay, mức đầu tư cho các loại hình sản xuất của HTX Phương Anh đã trên 7 tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm HTX Phương Anh thu về hơn 500 triệu đồng tiền lãi. Đây chưa phải là mức thu lớn, nhưng với một HTX kiểu mới, mới hoạt động chưa lâu, nguồn thu nhập này rất có ý nghĩa, có tính bền vững. Trong điều kiện ở nhiều nơi trong tỉnh, việc chuyển đổi mô hình HTX sang hoạt động theo Luật HTX 2012 còn lúng túng, hoặc vẫn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, hoặc chưa có lãi, thì kết quả sản xuất, kinh doanh của HTX Phương Anh rất đáng được cổ vũ động viên. Quy mô nhỏ, nhưng con đường đúng và hợp xu thế mới, HTX Phương Anh đang góp phần vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và đóng góp vào việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
“Đầu ra cho nấm sò không khó. Vấn đề chính là sản lượng nấm chưa nhiều. Nếu như ở Tân Yên có vài ba cơ sở cùng đầu tư sản xuất như HTX Phương Anh thì không chỉ nghề làm nấm có cơ hội phát triển mà người dân có thêm nguồn thu. Nguồn hàng phong phú, ổn định thì việc ký kết hợp đồng để tiêu thụ sản phẩm sẽ dễ dàng hơn - Ông Nguyễn Đình Phượng. |