Giúp người dân nông thôn phát triển kinh tế bền vững
- Thứ năm - 14/12/2017 08:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mục tiêu tổng thể là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đặc biệt là các khu vực khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang, trong đó, khuyến khích sự tham gia của các hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số thuộc 64 xã nghèo của tỉnh vào các hoạt động kinh tế sinh lời bền vững.
Dự án được thiết kế với ba hợp phần, gồm: Nâng cao năng lực thể chế để thực hiện các sáng kiến vì người nghèo; thúc đẩy các chuỗi giá trị vì người nghèo; lập và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thị trường cấp xã. Qua sáu năm triển khai, dự án đã tạo chuyển biến rõ nét nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp và người dân, nhất là phụ nữ nông thôn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong cơ chế thị trường; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện các chương trình nông thôn mới và giảm nghèo, thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân.
Thông qua IFAD, các xã, thôn thực hiện dự án đã được trao quyền làm chủ đầu tư để xác định nhu cầu và hỗ trợ 537 nhóm tổ hợp tác về các hạ tầng sản xuất và nâng cao năng lực. Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của các nhóm này, đã có 96 nhóm tổ hợp tác tiếp cận thêm nguồn vốn từ quỹ cạnh tranh nhỏ. Quỹ này là hình thức trao quyền tự quản và tự chủ tài chính cho các nhóm để xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh chung, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên thông qua quỹ quay vòng và hoạt động mua chung, bán chung. Hằng năm, dự án tổ chức các sự kiện kết nối giữa các doanh nghiệp tiềm năng với nhóm nông dân này để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Theo đó, đã có 20 doanh nghiệp được hỗ trợ theo hình thức này để xây dựng vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo quỹ quay vòng để đầu tư cho nông dân.
Các dịch vụ khuyến nông Nhà nước đã có sự đổi mới trong phương pháp tiếp cận bằng cách tăng cường các lớp học trên hiện trường "cầm tay, chỉ việc" cho nông dân. Từ năm 2014, dự án đã chuyển dần việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ các đơn vị nhà nước sang các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh và nông dân giỏi thực hiện. Trong quá trình thực hiện, đã tổ chức được 856 lớp tập huấn; trong đó có 360 lớp tiến hành theo phương thức nông dân dạy nông dân và doanh nghiệp dạy nông dân ở các thôn bản; qua đó, có 15.565 nông dân chủ chốt được đào tạo để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân khác. Do vậy, đã dần thay đổi tư duy của người dân từ việc "trồng và nuôi những gì mình có" sang "trồng và nuôi những gì thị trường cần". Đồng thời, xác lập kế hoạch hành động đối với tám chuỗi giá trị hàng hóa gồm: Chuỗi trâu, chuỗi lợn, chuỗi dong riềng, chuỗi keo, chuỗi chè, chuỗi thủy sản, chuỗi lạc và chuỗi cam. Đây là những loại hàng hóa có tiềm năng phát triển trên địa bàn. Bằng những việc làm thiết thực, dự án đã thu hút sự tham gia của gần 60 nghìn hộ; trong đó, có hơn 40 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu.
Mỗi địa phương triển khai từng mô hình cụ thể, phù hợp điều kiện tự nhiên, thế mạnh. Tại huyện Sơn Dương, với lợi thế là nguồn thức ăn sẵn có, thị trường tiêu thụ rộng, dự án đã triển khai chuỗi giá trị lợn hàng hóa cho người nghèo. Cùng việc tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thú y, người dân còn được dự án hỗ trợ nguồn vốn, lợn giống. Dự án đã thu hút hàng trăm hộ dân tham gia đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Huyện Hàm Yên là địa phương có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng để phát triển cây cam sành. Dự án TNSP tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện chuỗi giá trị cam bằng việc tập huấn, hướng dẫn người dân trồng theo quy trình VietGAP, nhờ đó, thương hiệu cam sành Hàm Yên được thị trường chấp nhận, giá cam được nâng lên.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có khoảng 250 tổ hợp tác liên kết các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi giá trị hàng hóa vì người nghèo đã và đang thu hút sự tham gia của đông đảo người dân nông thôn, người dân tộc thiểu số, nhất là người nghèo.
Giám đốc Ban điều phối TNSP Phạm Ninh Thái cho biết, kết thúc dự án, tỉnh Tuyên Quang được đánh giá đạt yêu cầu về tổng thể. Tác động của Dự án TNSP đã góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành liên quan của tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Để duy trì bền vững, cần tiếp tục có những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để củng cố, phát triển các tổ hợp tác và các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; huy động vốn và mở rộng quy mô quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển; thể chế hóa và nhân rộng các hình thức tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ khuyến nông và phát triển kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn giảm áp lực di cư lên thành thị; đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu...
Theo Hải Chung/nhandan.com.vn