Gỡ rào cản từ chính sách để phát triển chăn nuôi công nghệ cao

Gỡ rào cản từ chính sách để phát triển chăn nuôi công nghệ cao
Là Thủ Đô song thành phố Hà Nội vẫn có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi công nghệ cao, mang lại lợi ích lớn trong dân và tạo đà cho xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc tháo gỡ những rào cản phát triển công nghệ cao hiện nay cũng đặt ra nhiều khó khăn cho phát triển chăn nuôi.
Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, tính đến nay tổng đàn gia súc gia cầm của Thành phố vẫn đứng ở tốp đầu cả nước. Những năm qua với sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt sự đầu tư về cơ chế chính sách, trong đó có đầu tư cho chăn nuôi công nghệ cao, thành phố Hà Nội đã có được những kết quả đáng kể và mang lại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ người tiêu dùng.

Có thể nêu điển hình như Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hoàng Long. Năm 2010 với 10 thành viên HTX, đến nay có quy mô 650 nái, 6000 lợn thịt/lứa, một cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, với diện tích 5 ha trong đó 2ha khu chăn nuôi, giết mổ, 3ha xử lý chất thải và nuôi trồng thủy sản. Điểm đáng chú ý là HTX đã sử dụng được một loại men, công thức phối trộn, ủ phù hợp, tạo ra chất lượng thịt thơm, ngon, nước luộc trong, ăn mỡ ròn, ít ngấy, an toàn cho người sử dụng. Năm 2015, HTX xây nhà giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, có cơ sở vật chất đồng bộ, trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng khu xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ ở ngoài khu chăn nuôi, cùng hệ thống hộp hút và thông gió. Vì vậy môi trường chăn nuôi, giết mổ được bảo đảm trong lành, đến nay sản phẩm của HTX đã được phân phối trên thị trường nội ngoại thành được người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm khi sử dụng.

Với quy trình chăn nuôi VIETGAPH, an toàn sinh học, cơ sở giết mổ sơ chế chế biến đủ điều kiện. Đến nay HTX Hoàng Long đã xây dựng chuỗi thực phẩm hoàn chỉnh (có nhãn hiệu AZ) là chuỗi kép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống như HTX Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) với tổng đàn lợn trên 35 nghìn con, HTX dịch vụ và chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây) với gần 200 nghìn con. Trang trại Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Việt Hưng (thị xã Sơn Tây) nuôi 01 ngàn con giống (ông bà, bố mẹ) và 10 ngàn lợn thịt. Các cơ sở, Hợp tác xã chăn nuôi hiện nay 100 % đã đầu tư trang thiết bị tiên tiến hiện đại đặc biệt việc xử lý môi trường trong chăn nuôi vừa để đảm bảo chất lượng chăn nuôi vừa đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai thành công chương trình tạo đàn bò thịt cao sản BBB (Blanc- Bleu - Belg). Từ năm 2009, Thành phố đã triển khai chương trình này rất mạnh tại các huyện, thị xã. Đến nay, Hà Nội đã được ghi nhận là Thành phố đi đầu trong cả nước về cải tiến giống bò chất lượng cao trong dân. Hay việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Công nghệ sản xuất tinh cọng rạ công nghệ cao tại công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội. Với việc ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm đã bắt đầu sản xuất và cung cấp cho thị trường hàng nghìn liều tinh cọng rạ của các giống trâu, bò cao sản với chất lượng giống và tinh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đây sẽ mở hướng mới cho chăn nuôi Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận về nâng cao chất lượng giống, đưa giống có chất lượng hiệu quả kinh tế cao vào thực tiễn sản xuất.

Gỡ nút thắt để phát triển

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, việc phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt chính sách. Vì vậy, trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ phát triển và có hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi, vấn đề chính sách sẽ được quan tâm hàng đầu, vì đây là yếu tố cơ bản, tìm ra những vướng mắc và gỡ nút thắt cho những rào cản hiện nay. Theo đó, thành phố cần phải rà soát bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với việc ứng dụng công nghệ cao, trong đó xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp không mặn mà và không “dám” đầu tư lâu dài vào lĩnh vực công nghệ cao này. Đồng thời đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong khối các cơ quan nghiên cứu khoa học, thực hiện xã hội hoá những lĩnh vực có tiềm năng, đổi mới thủ tục hành chính trong triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng gọn nhẹ, gắn với sản phẩm đầu ra, tạo điều kiện về thời gian cho các nhà khoa học, có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học quan tâm đầu tư vào Hà Nội. Đổi mới cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài giúp cho Hà Nội phát triển chăn nuôi công nghệ cao.

Việc lựa chọn, quyết định thành lập các khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (điều kiện tự nhiên, thị trường, khả năng tài chính, công nghệ, nhân lực..). Thực hiện phân kỳ đầu tư để có bước đi thích hợp, tạo tiền đề tích lũy kinh nghiệm, tài chính và công nghệ để nhân rộng mô hình. Khi phát triển thành công các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, hướng tới phát huy tiềm năng lợi thế của sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại và thích ứng với các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước để có sản phẩm chăn nuôi đạt chất lượng cao, tất cả các khâu từ chăn nuôi, chế biến, giết mổ và lưu thông phân phối đều phải bảo đảm quy trình và có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác kiểm tra thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra định kỳ đột xuất tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt, trứng để từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất thịt đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Để khuyến khích người dân tham gia cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung các giải pháp để sớm xây dựng chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thịt từ khâu sản xuất, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Lấy doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

Về các giải pháp cụ thể, Thành phố sẽ tập trung lựa chọn và tổ chức sản xuất trong các vùng, khu, trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Tập huấn kỹ thuật sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và tăng cường tham quan, trao đổi kinh nghiệm cũng như hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp và chủ trang trại, HTX, hộ gia đình áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chế biến các sản phẩm chăn nuôi ứng dụng, xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Xúc tiến thương mại, thông tin tuyên truyền và hợp tác quốc tế về lĩnh vực sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao…

Có thể thấy, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là một xu hướng phát triển tất yếu tại Thủ Đô nhằm tận dụng lợi thế của khoa học kỹ thuật tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Hy vọng với những cơ chế chính sách phù hợp phát huy sức mạnh tổng thể, thành phố Hà Nội sẽ có nhiều điểm nhấn, điểm sáng hơn nữa về chăn nuôi theo hướng công nghệ cao trong thời gian tới.

Theo Minh Nhung/Báo Chính Phủ.vn