HLV Bắc Ninh: Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại
- Thứ bảy - 25/11/2017 04:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nở rộ trang trại tiền tỷ
Theo Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn hiện có hơn 3.200 trang trại và gia trại; giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động. Trong đó, có 15 trang trại trồng trọt; 93 trang trại chăn nuôi; 30 trang trại nuôi trồng thủy sản và 29 trang trại tổng hợp. Diện tích bình quân đạt 2,7ha/trang trại, thu nhập 412 triệu đồng/trang trại; mỗi năm cung cấp ra thị trường 95.000 - 100.000 tấn lợn, 22.000 - 25.000 tấn gia cầm, 40.000 tấn thủy sản và 100.000 tấn quả các loại. Thu nhập từ kinh tế trang trại đạt gần 50% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp.
Phát triển kinh tế trang trại góp phần vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn liền với tiến trình phân công lao động nông thôn. Nhiều HTX ra đời từ sự liên kết các trang trại, là bước tiến đến phát triển kinh tế tập thể như: HTX Măng tây xanh Thái Bảo, HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (Gia Bình); HTX VAC Xuân Hòa (Quế Võ); HTX Chăn nuôi Cường Thịnh (Yên Phong)… Thông qua HTX, các hộ dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập trung sức mạnh, giúp nhau làm kinh tế.
Mô hình trồng lúa, nuôi cá, vịt trời của anh Nguyễn Đăng Cường ở xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành) được nhiều người dân biết đến bởi hiệu quả kinh tế mang lại. Năm 2016, mô hình của gia đình anh cho thu nhập khoảng 17 tỷ đồng. Anh Cường chia sẻ: Trang trại của gia đình có diện tích 59ha, nuôi vịt trời, cá và trồng lúa. Trang trại hiện nuôi 7.000 con vịt trời đẻ, mỗi tháng ấp nở 30.000 vịt con, xuất ra thị trường hàng chục nghìn vịt thương phẩm mỗi năm.
Không chỉ nuôi vịt trời, gia đình anh Cường còn cải tạo ao để vừa nuôi chạch sụn, vừa trồng gạo tẻ đỏ. Với 30ha lúa, mỗi vụ gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 60 tấn gạo tẻ đỏ, thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Mỗi năm bán ra thị trường khoảng 30 - 35 tấn chạch sụn, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi gà đẻ của gia đình ông Nguyễn Văn Vọng, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cũng là điển hình trong phát triển kinh tế trang trại, gia đình ông Nguyễn Văn Vọng ở xã Ninh Xá (huyện Thuận Thành) có mức thu nhập khá từ mô hình nuôi gà đẻ. Ông cho biết: “Gia đình xây dựng mô hình trang trại này từ năm 2009, nuôi 20.000 con gà đẻ. Bình quân mỗi ngày, gia đình thu khoảng 18.000 quả trứng, mỗi năm thu nhập gần 8 tỷ đồng”.
Tăng cường liên kết
Phát triển kinh tế trang trại ở Bắc Ninh đã góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp khó khăn do một số chủ trang trại còn hạn chế về năng lực quản lý, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Hầu hết các trang trại thiếu vốn để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, cây, con giống. Chất lượng các trang trại không đồng đều, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật còn hạn chế, việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn lạc hậu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững đề xuất: Tỉnh cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm cho các chủ trang trại, gia trại theo tiêu chí mới; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, canh tác bền vững nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích mỗi huyện lựa chọn sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với điều kiện canh tác để làm chủ lực trong phát triển sản xuất của địa phương.
Các sở, ban, ngành cần nghiên cứu thông tin thị trường, định hướng sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, gia trại, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu sản phẩm; hỗ trợ kinh phí, đồng hành cùng các chủ trang trại, gia trại tổ chức chương trình hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp các chủ trang trại mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy hiệu quả.
Những năm qua, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh tích cực vận động hội viên, chủ trang trại liên kết sản xuất, hỗ trợ thành lập hàng chục CLB trang trại, 38 HTX sản xuất VAC, 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2016, Hội chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn chủ trang trại xây dựng dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để được hưởng hỗ trợ. Kết quả, có 4 trang trại hoàn thành xây dựng dự án, được UBND tỉnh hỗ trợ gần 10 tỷ đồng.
Nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: ông Nguyễn Văn Đẩu (phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn); ông Lê Đắc Vinh, bà Nguyễn Thị Hà (Cảnh Hưng, Tiên Du) đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn quy mô lớn; ông Nguyễn Văn Ái (Hòa Tiến, Yên Phong) sản xuất gà giống và trứng thương phẩm; Nguyễn Đăng Hiển (Tân Chi, Tiên Du) trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP…
Cùng với khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, Hội Làm vườn tỉnh nghiên cứu xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để chủ trang trại tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai các mô hình sản xuất công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các chủ trang trại, người lao động. Tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến, góp phần phát triển nông nghiệp-nông thôn bền vững.
Sơn Trang - Anh Khôi/kinhtenongthon.com.vn