HLV huyện Tuy Phước: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế VAC

HLV huyện Tuy Phước: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế VAC
Được thành lập từ năm 1993, đến nay, 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuy Phước đều có tổ chức Hội Làm vườn (HLV). Huyện hiện có 101 chi Hội thôn, 9.918 hội viên, là một trong những đơn vị có phong trào làm kinh tế VAC phát triển mạnh.
Tuy Phước hiện có 3.655ha vườn và gần 1.000ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Để giúp hội viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, HLV huyện phối hợp với HLV cấp trên và ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt hội viên, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng, rau sạch; phát triển mô hình kinh tế VACR toàn diện; nuôi thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, nuôi cá trong ruộng lúa; kỹ thuật thâm canh lúa theo phương pháp “3 giảm, 3 tăng”, xây dựng cánh đồng mẫu lớn với hơn 1.200ha, thâm canh lúa lai chất lượng cao; chăn nuôi bò, heo, gia cầm theo hướng an toàn sinh học…

Ngoài ra, Hội còn phát hành các tờ tin nông nghiệp, tạp chí làm kinh tế vườn, hàng ngàn tờ bướm hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… đến hội viên, làm tài liệu cho các buổi sinh hoạt; giúp hội viên nắm bắt kịp thời thông tin, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm thâm canh, tăng năng suất các loại cây trồng - vật nuôi. Nhờ những kỹ thuật canh tác mới, hội viên đã đẩy mạnh cải tạo vườn, đồi gò để trồng cây công nghiệp, hoa, cây cảnh trên diện tích 924ha, cho thu nhập từ 50-120 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rau an toàn theo hướng VietGAP; trồng khổ qua (mướp đắng), ớt ở xã Phước Hiệp; trồng bắp (ngô) nếp ở thị trấn Diêu Trì, xã Phước Nghĩa; trồng hoa hồng, hoa cúc ở xã Phước Hòa. 

Trong phong trào làm vườn, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, điển hình như gia đình ông Nguyễn Ngọc Tùng (thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa) với 3.500ha vườn, hàng năm trồng 6.000 chậu hoa các loại bán Tết, thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng; hộ ông Lê Văn Bình (thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn) trồng 500m2 hẹ, thu lợi nhuận hơn 51 triệu đồng/năm... 

Phong trào chăn nuôi được duy trì và phát triển, nhiều mô hình như vỗ béo bò, nuôi nhím, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi gà thương phẩm, nuôi heo nái ngoại đem lại lợi nhuận cao. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Thế Kỷ (thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng) với quy mô 3.000 con gà đẻ, 60 con heo thịt, 4 heo nái sinh sản, thu lãi 200 triệu đồng/năm. 

Những năm qua, các cấp HLV huyện cũng động viên, khuyến khích nông dân đầu tư vốn làm kinh tế trang trại (KTTT) và đã thành lập câu lạc bộ KTTT nhằm tạo điều kiện cho hội viên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giúp nhau trong xây dựng và phát triển KTTT. Đến nay, huyện có 67 gia trại, trong đó có 16 gia trại chăn nuôi heo, 27 gia trại chăn nuôi gia cầm, 1 gia trại trồng cây lâu năm và 23 gia trại nuôi trồng thủy sản.

Để tạo vốn cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế VAC, KTTT, các cấp Hội đã tranh thủ các nguồn vốn giải quyết việc làm, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… cho 10.872 lượt hộ vay hơn 99,7 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch HLV huyện Tuy Phước, cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ vận động hội viên và nông dân đẩy mạnh khai thác tiềm năng đất đai, nguồn vốn để phát triển kinh tế VAC đi đôi với bảo vệ môi trường; phấn đấu 100% vườn tạp, ao hoang được cải tạo thành vườn - ao kinh tế; đến năm 2018, toàn huyện phát triển đàn bò lên 20.000 con (bò lai chiếm 75%), 75.000 con heo, 1,35 triệu con gia cầm; giữ vững nuôi trồng thủy sản ổn định ở mức 993,6 ha”.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn