HLV tỉnh Thái Bình: Giúp hội viên nâng hiệu quả kinh tế VAC

HLV tỉnh Thái Bình: Giúp hội viên nâng hiệu quả kinh tế VAC
Những năm qua, Hội Làm vườn tỉnh (HLV) Thái Bình đã có nhiều hoạt động giúp hội viên, nông dân thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp; tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, những cách làm hay, mô hình mới để phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 

Người dân Hồng Lý (Vũ Thư) cải tạo vườn tạp để trồng hòe, mang lại thu nhập ổn định.

Chọn hướng đi đúng

Ông Khúc Văn Thịnh, Phó chủ tịch HLV tỉnh Thái Bình, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Hội  đã chỉ đạo các cấp Hội vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế VAC gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều hội viên đã thành công với các mô hình, cách làm hay, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như lựa chọn giống cây, con phù hợp với điều kiện đất đai, điều kiện chăn nuôi của gia đình để vươn lên làm giàu chính đáng.

Để hội viên tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng các quy trình sản xuất theo công nghệ mới, mở lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để hội viên thay đổi tư duy trong cách làm ăn, mạnh dạn đưa các giống cây, con có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào nuôi, trồng.

Những tháng đầu năm 2015, Hội phối hợp với các Hội cơ sở tổ chức trên 40 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 1.400 lượt hội viên, nông dân tham dự; phát động phong trào trồng cây đầu xuân và cải tạo, phát triển kinh tế vườn. Theo đó, hội viên đã trồng được 1 triệu cây các loại, trong đó có 100.000 cây lấy gỗ, 300.000 cây ăn quả, còn lại là các giống cây dược liệu, cây cảnh...

Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành, địa phương tiếp nhận 250.000 hạt gấc, mở lớp tập huấn về mô hình trồng gấc cho hội viên. Đặc biệt, Hội đã vận động hội viên thành lập 49 câu lạc bộ về lĩnh vực VAC. Việc duy trì và phát triển các câu lạc bộ VAC giúp hội viên gắn kết cùng nhau trao đổi kiến thức về chăn nuôi, cải tạo vườn tạp...

Nhiều hộ hội viên đã có hướng đi mới trong lĩnh vực chăn nuôi như đầu tư kinh phí xây dựng trang trại nuôi lợn nái và lợn thịt 100% máu ngoại; chăn nuôi bò... Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 64 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo hình thức VietGAHP. Hội cũng vận động, hướng dẫn hội viên khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, cải tạo ao nuôi, đầu tư con giống thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 119 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, điêu hồng, tạo nguồn thu nhập bền vững cho hội viên.

Ngày càng nhiều mô hình hiệu quả

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, thời gian qua, xã Liên Giang (huyện Đông Hưng) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nhất là trong phát triển kinh tế VAC. Điển hình như mô hình nuôi ba ba của anh Nguyễn Gia Vương, xóm 14, thôn Minh Hồng.

Với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được qua thời gian làm thuê tại các trang trại nuôi ba ba, anh Vương đã quyết định về quê, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với 3 ao, diện tích trên 1.400m2, anh Vương xây dựng tường bao, lắp đặt hệ thống ống dẫn và thoát nước; đối với ao nuôi ba ba đẻ, anh làm bãi đẻ, không ngập nước và được lót lớp cát dày, xây tường, lợp mái vững chắc để tránh trứng bị hỏng.

Sau khi hoàn thành ao nuôi, anh Vương thả trên 1.000 con ba ba Đài Loan được mua giống ở Sóc Trăng. Anh cho biết: “Ba ba Đài Loan là giống thông dụng, ít bị bệnh. Nguồn thức ăn chủ yếu của ba ba là cá biển, tùy theo từng lứa tuổi mà cung cấp lượng thức ăn. Ba ba chỉ ăn 8 - 9 tháng mỗi năm; khi còn nhỏ, lượng thức ăn hàng ngày tương đương 5% trọng lượng cơ thể; khi đã lớn, lượng thức ăn giảm còn 2-3% trọng lượng cơ thể. Nuôi từ 24 - 30 tháng thì xuất bán, trọng lượng bình quân 1,5kg/con, giá bán dao động từ 250.000 - 400.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm anh bán từ 400-1.000 con giống. Ước tính, mỗi năm anh Vương thu lãi trên 50 triệu đồng từ nuôi ba ba.

Xã Hồng Lý (Vũ Thư) là địa phương phát triển mô hình trồng hòe, với 100ha vườn được cải tạo để trồng hòe, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân địa phương. Ông Nguyễn Duy Thạo, hội viên HLV thôn Thượng Hộ Trung, cho biết: Thời gian qua, nhân dân địa phương đã cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn­, đưa nhiều giống cây trồng mới vào thâm canh như mít, ổi, chuối... Đặc biệt, cây hòe đang cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm. Riêng hộ ông Thạo cũng trồng trên 4 sào hòe, hàng năm cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng gia trại chăn nuôi 100 con lợn nái, lợn thịt; xây dựng hệ thống hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi khép kín bảo đảm vệ sinh môi trường.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của mô hình kinh tế VAC, thời gian tới, lãnh đạo HLV tỉnh Thái Bình xác định sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, điển hình làm kinh tế VAC giỏi; khai thác đất đai, mặt nước, trang trại chăn nuôi, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở các địa phương.

Mạnh Thắng

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn