HTX Quý Long chăn nuôi khép kín không chất thải

Chăn nuôi khép kín đang là hướng đi đúng đắn của HTX Quý Long (xã Thái Long, Tp.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Mô hình không chỉ giúp người nông dân thoát nghèo mà còn mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển kinh tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khả năng mắc và lây truyền bệnh dịch trên đàn vật nuôi.

Khu vực chăn nuôi theo mô hình khép kín của HTX rộng 400m2, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng/năm. Mô hình sản xuất của HTX đang được nhiều đơn vị đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm

Thân thiện với môi trường 

Thành lập tháng 3/2010, đến nay, HTX có 13 thành viên. Mô hình của HTX đang tập trung vào chăn nuôi lợn đen địa phương theo công nghệ sinh học do Sở KH&CN tỉnh chuyển giao kỹ thuật.

Ông Trần Hồng Hải - Giám đốc HTX, cho biết: Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà sản phẩm còn bảo đảm an toàn, môi trường được cải thiện.

Giống lợn đen của HTX được sống trên đệm sinh học bằng mùn cưa, bột gỗ trộn với men vi sinh, dày 50 - 70cm để bảo đảm sử dụng trong 4 - 6 tháng. Đệm sinh học giúp hút nước thải và phân hủy chất thải hiệu quả.

“Nếu không sử dụng đệm lót sinh học, trước đây, trong chuồng lợn của người dân lúc nào cũng có mùi hôi của nước tiểu và phân lợn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và hàng xóm. Khi áp dụng nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, nước tiểu và phân lợn được xử lý lên men thành phân sinh học, nên diện tích chuồng lợn của HTX không còn mùi hôi”, ông Nguyễn Quang Dục - thành viên HTX, cho biết.

Lợn được ăn bằng cám gạo, ngô, sắn, khoai đã lên men và hoàn toàn không sử dụng cám tăng trọng, thuốc siêu nạc. Phương pháp lên men thức ăn giúp bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, góp phần cải thiện hệ tiêu hóa, tăng hệ miễn dịch tự nhiên cho lợn. 

Nhờ sử dụng hoàn toàn thức ăn lên men thay thế cho thức ăn công nghiệp, nên đàn lợn của HTX đạt giá trị dinh dưỡng cao, ít dịch bệnh. 

Sự thành công của việc chăn nuôi theo hướng sinh học đã giúp mô hình nuôi lợn đen của HTX đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực bảo vệ môi trường sống và môi trường sản xuất. Tháng nào HTX cũng xuất chuồng hơn 4 tấn lợn thịt, gần 2 tấn lợn giống ra thị trường.

Hiện nay, thu nhập của các thành viên đạt 5 triệu đồng/người. Mọi người đều thực hiện làm theo ca để phân phối công việc khoa học, hiệu quả.

Một chuồng lợn giống của HTX

Vòng tròn khép kín

Không chỉ nuôi lợn, HTX còn mở rộng sản xuất sang nuôi cá trạch trong bể xi măng, nuôi giun quế và ngỗng nhằm tăng thu nhập cho các thành viên. 

Tận dụng những chiếc đệm sinh học sau khi bỏ đi, HTX tiếp tục dùng để nuôi giun quế. Giun quế sẽ là thức ăn của cá chạch và ngỗng. Đây được coi là vòng tròn khép ín hiệu quả trong chăn nuôi, khi tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp và hạn chế được sự thất thường của thị trường.

Áp dụng hình thức này, giun của HTX lớn nhanh, đẻ trứng dày, chỉ sau 7 ngày là cho thu hoạch. Cũng chính có nguồn thức ăn giun quế nhiều chất, phù hợp với môi trường nên cá chạch tăng trưởng mạnh, từ lúc tách bể bằng ngón tay chỉ sau 3 tháng đã cho thu hoạch 0,4 - 0,6kg/con. 

Trung bình mỗi tháng, HTX bán hơn 300kg ngỗng, 600kg cá chạch, 100kg giun quế thương phẩm và giun giống… Thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc và Hà Nội.

Điều đặc biệt là tất cả phụ phẩm của các quy trình chăn nuôi đều được tận dụng triệt để giúp giảm chi phí đầu tư và hạn chế tối đa lượng chất thải thải ra môi trường hàng ngày. Bên cạnh đó, các vật nuôi đều bảo đảm có nguồn thức ăn giàu dưỡng chất, an toàn, nên cho chất lượng cao hơn khi thu hoạch.

Mô hình chăn nuôi khép kín theo công nghệ sinh học của HTX Quý Long đã giúp các thành viên vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình cũng giúp cải thiện môi trường nông thôn. Chăn nuôi khoa học còn hướng tới sản phẩm thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn. Đây là xu hướng đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn. 
 

Như Yến
Thoibaokinhdoanh.vn