HTX Trọng Quan góp phần giảm ô nhiễm từ rơm rạ
- Chủ nhật - 24/12/2017 06:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không chỉ quan tâm đến hai vụ lúa (vụ mùa và vụ chiêm), HTX Trọng Quan còn là đơn vị phát triển mạnh trồng khoai tây vụ đông. Trồng khoai tây sạch bằng phân hữu cơ đã giúp HTX xây dựng được thương hiệu và tăng thu nhập cho các thành viên và nông dân.
Hiệu quả trong xử lý rơm rạ
Với diện tích trồng khoai tây là 85 - 90 ha (tùy từng năm), HTX là một trong những đơn vị có diện tích trồng khoai tây vụ đông cao nhất tỉnh Thái Bình, tính đến thời điểm hiện nay.
Ông Trần Minh Bằng - Giám đốc HTX, cho biết mấy năm nay, nhờ tích cực tuyên truyền mà mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ đã được nhân rộng, giúp HTX cơ bản đủ nguồn phân bón cho diện tích khoai tây, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Quy trình biến rơm rạ thành phân hữu cơ không khó, ít tốn kém, lại cho hiệu quả cao. Rơm rạ được phơi khô, kết hợp với một số nguyên liệu: Phân lân, chế phẩm sinh học… sau đó dùng bùn ao hoặc bạt nilon phủ kín. Quá trình ủ kéo dài 30 - 45 ngày. Vi sinh vật hoạt động sẽ phân hủy rơm, rạ thành phân hữu cơ.
Do lượng rơm trên địa bàn khá lớn, trong khi nhu cầu phục vụ việc đun nấu, chăn nuôi giảm nhiều, nên ủ rơm rạ làm phân vi sinh được coi là phương pháp hiệu quả, góp phần giảm tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau thu hoạch. Đến nay, 100% các hộ thành viên của HTX đều triển khai thực hiện phương pháp này.
Phân vi sinh làm từ rơm rạ giúp cây khoai tây phát triển tốt, ra rễ hình thành củ nhanh hơn, thân và lá to, khỏe, sức sinh trưởng tốt; giảm tỷ lệ bệnh; tỷ lệ củ to nhiều, hình thức củ đẹp và năng suất cao hơn 20 - 30%. Không chỉ bón cho khoai tây, phân vi sinh làm từ rơm rạ còn được nông dân dùng để trồng hoa màu, đặc biệt là cây rau, giúp bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Để mô hình này đến với nhiều người, HTX đã kết hợp với Hội Nông dân, hỗ trợ người dân mua chế phẩm sinh học, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích thành viên và người dân trong việc thu gom rơm rạ, ủ thành phân bón hữu cơ. Việc này giúp người dân chủ động trong mở rộng diện tích khoai tây.
Mô hình trồng khoai tây của HTX
Làm đất tối thiểu
Không chỉ tiến hành ủ phân vi sinh, hiện nay, diện tích khoai của HTX được trồng hoàn toàn theo mô hình khép kín. HTX đứng ra hỗ trợ người dân về máy móc, điều tiết nước và giải quyết đầu ra. Chính vì vậy, dù điều kiện khí hậu những năm gần đây tuy có nhiều diễn biến thất thường, nhưng mọi người đều chủ động trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây.
Phương pháp làm đất tối thiểu cũng được HTX áp dụng hiệu quả. Phương pháp này không bắt buộc phải làm trên chân đất màu, mà người dân có thể trồng khoai ở bất kỳ ruộng nào (đất chua, đất trũng, đất bùn) và cũng không phải tốn nhiều công sức làm nhỏ đất để tạo luống.
Nhằm giữ độ ẩm tối đa phục vụ khoai tây phát triển, HTX đã tận dụng rơm rạ để phủ lên mặt luống sau khi trồng. Trung bình mỗi sào khoai cần sử dụng 3 sào rơm, rạ phục vụ việc phủ mặt luống. Ngoài ra, người dân còn tận dụng trấu và cát trộn với phân dùng để bón lót cho cây.
Lượng rơm rạ phủ luống sau mùa khoai sẽ bổ sung một lượng mùn đáng kể, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, rất tốt cho những vụ sản xuất tiếp theo, đồng thời giúp người dân tiết kiệm được một phần phân bón.
“Trồng khoai theo phương pháp này sẽ tận dụng tối đa nguồn rơm rạ, mùn trấu và các sản phẩm thừa của thực vật để phủ dầy lên mặt luống, thay vì phải làm đất vun cao gốc cho cây như cách làm truyền thống. Áp dụng cách làm này từng bước giúp khắc phục tình trạng đốt rơm rạ, hay vứt rơm rạ tràn lan gây ô nhiễm môi trường, ách tắc dòng chảy”, Giám đốc Nguyễn Minh Bằng cho biết.
Không chỉ có kinh nghiệm mà việc áp dụng KH-KT vào sản xuất đã giúp HTX Trọng Quan đạt hiệu quả cao trong sản xuất cây vụ đông. Những kết quả HTX đạt được đã tạo đà cho việc phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, góp phần tăng năng suất cây trồng và BVMT.
Như Yến
http://thoibaokinhdoanh.vn