Hà Giang triển khai nhiều giải pháp: Nông thôn mới chuyển biến tích cực
- Thứ ba - 09/01/2018 01:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình trồng cam sành tại tỉnh Hà Giang.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết:
Tại Hà Giang, chương trình XDNTM luôn nhận được sự quan tâm lớn của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, được triển khai mạnh mẽ theo hướng phát huy vai trò chủ thể của người dân; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các quy hoạch sản xuất trong đồ án quy hoạch xã nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân gắn liền với bảo vệ cảnh quan môi trường. Mục tiêu XDNTM là động lực để thực hiện hàng năm, qua đó tạo thành phong trào thi đua trong toàn tỉnh.
Nguồn ngân sách dành cho chương trình XDNTM chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư, do đó, tỉnh Hà Giang thực hiện lồng ghép nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong năm 2017, tỉnh phân bổ, huy động các nguồn lực đầu tư cho thực hiện chương trình XDNTM đạt 3.014,098 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 239,6 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương 97,147 tỷ đồng; vốn lồng ghép là 50,099 tỷ đồng; nguồn vốn vay tín dụng 2.666,9 tỷ đồng; nguồn huy động từ phía doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân 25,4 tỷ đồng...
Nhờ chương trình XDNTM mà 397,8km đường giao thông nông thôn được nâng cấp; làm đường giao thông các loại đạt 75,7km; làm mới, cải tạo được 6,6 km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 127 phòng học; xây dựng mới được 28 nhà văn hóa thôn... huy động nguồn nội lực từ nhân dân được 163.658m2 đất; đóng góp 106.532 ngày công lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 23 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt 15 -18 tiêu chí, 46 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí NTM.
Tại Hà Giang, tiêu chí thu nhập là tiền đề cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2017 kèm theo Nghị quyết số 209 hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp được triển khai mạnh mẽ, thực hiện triệt để. Trong đó, tập trung chính vào phát triển cây cam, chè theo hướng VietGAP và chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng gia trại, đồng thời căn cứ vào điều kiện, thế mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực của từng vùng, xây dựng chi tiết thực hiện trên địa bàn từng huyện. Triển khai kế hoạch “mỗi huyện 1 xã, mỗi xã 1 thôn” điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp, qua đó các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Bắc Mê, Yên Minh, Hoàng Su Phì... đã tổ chức thực hiện tại xã, thôn điển hình mẫu về phát triển kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm như: cam sành, chè, dược liệu, mật ong bạc hà, hồng không hạt... được thị trường đón nhận, thu hút nhiều người dân tham gia sản xuất, lao động nông thôn được đào tạo nghề,cơ giới hóa đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Điều đáng mừng là chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đã có tác động và tạo sự chuyển biến mới, mạnh mẽ trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ, người dân thực sự trở thành chủ thể trong XDNTM. Cơ bản hoàn thành kết cấu đường giao thông, điện, nước sạch, trạm y tế, nhà văn hóa thôn bản.
“Với chức năng của ngành, phấn đấu thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo, UBND tỉnh trong chương trình XDNTM để năm 2018 tỉnh Hà Giang có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 28. Các xã còn lại phấn đấu tăng từ 1-2 tiêu chí, không còn xã dưới 6 tiêu chí. Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn NTM năm 2017 và các năm trước, triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2018”, ông Vinh nói.
Theo Kiều Thủy/Báo KTNT.vn