Hà Nội sẽ "triệt tiêu" nợ đọng khi xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 10/08/2017 19:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phấn đấu đưa 4 xã cán đích
Ông Nguyễn Văn Thọ - Bí thư Huyện ủy Quốc Oai cho biết, trong những năm qua, huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, áp dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó huyện cũng đưa cơ giới hóa sản xuất đồng bộ trên tất cả các khâu góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng đang mang lại thu nhập cao cho các nông dân ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: T.Q
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động được 1.265 tỷ đồng cho NTM, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách là 189 tỷ đồng. |
"Để đạt hiệu quả theo kế hoạch đề ra, huyện đã thành lập Hội đồng thẩm định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn các xã lập đồ án quy hoạch vùng sản xuất. Đến nay đã chuyển đổi cho 16 xã với tổng diện tích 2.102ha, trong đó vùng sản xuất chuyên canh cây hàng năm, vùng sản xuất RAT 276ha, vùng trồng lúa chất lượng cao 1.800ha, vùng chăn nuôi tập trung 104ha, trang trại tổng hợp là 187ha, vùng trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản 1.544ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm" - ông Thọ chia sẻ.
Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, đến tháng 6.2017 toàn huyện đã thực hiện được 1.800ha sản xuất lúa hàng hóa tập trung ở các xã: Tân Hòa, Liệp Tuyến, Tuyến Nghĩa, Ngọc Liệp, Nghĩa Hương…; vùng trồng nhãn chín muộn xã Đại Thành với 220ha, năm 2016 năng suất đạt trên 2.000 tấn/năm.
Cũng theo ông Thọ, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã xây dựng và triển khai quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư với 104ha ở các xã: Cấn Hữu, Cộng Hòa, Tân Hòa với 186ha trang trại tổng hợp. Bên cạnh đó, trong xây dựng NTM, đến cuối năm 2016 huyện Quốc Oai đã có 16/20 xã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM, 4 xã còn lại là Đồng Quang, Cộng Hòa, Hòa Thạch và xã Đông Yên phấn đấu về đích trong năm 2017.
"Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 34,5 triệu đồng, huyện phấn đấu đạt 39,5 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn 0,5% vào cuối năm 2017" - ông Thọ khẳng định.
Không để xảy ra nợ xây dựng cơ bản
Ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay: "Từ một huyện có xuất phát điểm khá thấp, nằm trong tốp cuối nhưng đến nay Quốc Oai đã vươn lên "sánh vai" với với các đơn vị ở tốp đầu của thành phố trong việc thực hiện Chương trình 02 nói chung và xây dựng NTM nói riêng, cho thấy huyện đã có hướng đi đúng và trúng chủ trương của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy".
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả trong thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua. Tuy nhiên, lãnh đạo Thành ủy cũng chỉ ra những hạn chế của huyện như: Sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng chưa cao, chưa bền vững; các chỉ tiêu về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế còn thấp...
Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, lãnh đạo Thành ủy đề nghị trong thời gian tới huyện cần phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển đô thị, gắn với các vành đai xanh. Cần xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng lâu dài, hiện đại đảm bảo tính đồng bộ các hệ thống.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, riêng lĩnh vực xây dựng NTM, lãnh đạo Thành ủy yêu cầu huyện cần cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm, hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành ở tất cả các xã năm 2018.
"Xây dựng NTM nhưng không để tình trạng nợ xây dựng cơ bản. Cùng với đó, huyện cần phát triển nông thôn gắn với phát triển văn hóa, cần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quan tâm đến vấn đề xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa" - Phó Bí thư khẳng định.
Theo Trần Quang/Dân Việt.vn