Hà Nội: Đột phá từ dồn điền đổi thửa

Đến thời điểm này, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được hơn 73.569ha, chiếm trên 96% tổng số diện tích ruộng hiện có. Theo đánh giá, trong gần 2 năm (2012-2014), Hà Nội đã DĐĐT được diện tích đất nông nghiệp rất lớn mà hàng chục năm trước đó chưa làm được.

Sau DĐĐT, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được các địa phương quy hoạch lại, giao thông và thủy lợi nội đồng được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới (NTM), nhờ đó nhiều địa phương đã áp dụng cơ giới hóa thuận lợi vào sản xuất.

Vượt chỉ tiêu kế hoạch

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sau hơn 3 năm tổ chức triển khai Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, bộ mặt nông thôn Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng. “Nổi bật trong đó phải kể đến những thành quả trong DĐĐT, tuy đây không phải là một tiêu chí xây dựng NTM, nhưng nhờ những bước đột phá trong DĐĐT mà việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới vào sản xuất được đẩy mạnh” – ông Mỹ nói. Trong đó, Hà Nội đã hình thành một số vùng trồng hoa tập trung có giá trị kinh tế cao tại các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đan Phượng… với giá trị thu nhập từ 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm; một số mô hình cây ăn quả ở các huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm…, thu nhập từ 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm; củng cố và phát triển được hơn 700 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư...

Nông dân chăm sóc hoa tại vùng sản xuất hoa Nam Hồng (Đông Anh). Trần Quang 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Thước – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, để tạo đà cho việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng như đẩy nhanh xây dựng NTM, những năm qua huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo quyết liệt DĐĐT. Đến đầu quý III/2014, huyện đã thực hiện DĐĐT được 8.874ha, đạt 103% kế hoạch thành phố giao. Sau dồn đổi, trên địa bàn huyện đã hình thành các cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện triển khai nhiều mô hình khuyến nông và hình thành các trang trại.

Phấn đấu DĐĐT 100% diện tích

Theo ông Mỹ, sau DĐĐT, nhiều bờ vùng, bờ thửa được phá dỡ nên Hà Nội đã thu hồi được diện tích đất dôi dư rất lớn, lên tới 1.404ha và diện tích này đã được giao về quỹ đất công của các xã để triển khai quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng… Tuy nhiên, thành phố hiện vẫn còn hơn 3.000ha chưa thực hiện xong DĐĐT, nằm rải rác trên địa bàn các xã, trong đó huyện Quốc Oai còn 800ha, Đông Anh 600ha, Ứng Hòa 534ha... Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện DĐĐT, vẫn còn một số lãnh đạo địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa vận động tốt sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động ở nhiều địa phương cũng hạn chế nên người dân chưa nhận thức được lợi ích lâu dài của DĐĐT…“Thành phố đã đặt ra nhiệm vụ đến hết năm nay phải dồn đổi hết toàn bộ diện tích còn lại (3.279ha) tại 11 huyện, đảm bảo DĐĐT công khai, minh bạch, không để xảy ra khiếu kiện vược cấp, người dân bỏ ruộng không sản xuất. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau DĐĐT” – ông Mỹ nhấn mạnh.

  Trước khi dồn đổi ruộng, bình quân mỗi hộ trên địa bàn Hà Nội sở hữu đến 7 - 15 thửa ruộng, thậm chí ở Sóc Sơn, Chương Mỹ, nhiều hộ có tới 27 - 39 thửa ruộng, nhưng nay chỉ còn 1 - 2 thửa/hộ.
 
nguồn: danviet.vn