Hà Tĩnh: Bám sát quy hoạch là nền tảng để phát triển bền vững

Hà Tĩnh: Bám sát quy hoạch là nền tảng để phát triển bền vững
Việc hiện thực hoá các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh mang tính tổng thể và dài hạn là một minh chứng đầy thuyết phục cho tầm nhìn và là nền tảng để nền kinh tế - xã hội địa phương bứt phá mạnh mẽ và bền vững.


Xã Nông thôn mới kiểu mẫu ở Hương Khê.

Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy hoạch kinh tế - xã hội Hà Tĩnh thời gian qua luôn là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động phát triển của toàn tỉnh. Theo đánh giá, mặc dù quy hoạch kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước thời điểm phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung bộ nhưng về tổng thể vẫn phù hợp với quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của quy hoạch phát triển vùng. Đặc biệt hơn, định hướng phát triển kinh tế biển, vùng biển và ven biển, cảng biển, khu kinh tế ven biển... theo quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh cũng phù hợp với định hướng phát triển của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam đến năm 2020.

Hà Tĩnh bây giờ được ví như nàng công chúa đang ngủ say được đánh thức bởi biết tận dụng các nguồn tài nguyên, đa dạng hóa nền kinh tế và mở rộng sang sản xuất và dịch vụ chế biến. Hà Tĩnh hứa hẹn sẽ trở thành một nền kinh tế công nghiệp, song, vẫn có ngành nông nghiệp phát triển mạnh, năng suất cao cùng lĩnh vực dịch vụ ngày càng phát triển. Với lợi thế của mình, Hà Tĩnh sẽ tăng trưởng cao nhờ 3 thành tựu cụm, ngành trọng điểm chính: hiện đại hóa thành công nền nông nghiệp; phát triển ngành sắt - thép và xây dựng Hà Tĩnh là một trung tâm thương mại, hậu cần phục vụ khu vực, bao gồm cả Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Nông nghiệp - nông thôn phát triển khá toàn diện với công tác triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành và chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Năm 2017, toàn tỉnh xây dựng mới 947 mô hình sản xuất, 70 HTX, 195 tổ hợp tác, 265 doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn huy động trong năm 2017 đạt hơn 18.648 tỷ đồng, đỡ đầu, tài trợ và huy động khác hơn 236 tỷ đồng.

Công nghiệp có bước phát triển đột phá với điểm nhấn khu kinh tế (KKT) Vũng Áng trở thành trung tâm thu hút các dự án FDI. Trung tâm công nghiệp nặng và tổ hợp cảng biển tại KKT Vũng Áng ngày càng phát triển, khẳng định vai trò động lực phát triển vùng khi trở thành điểm kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm như quốc lộ 1A, tuyến ven biển, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, nhiệt điện Vũng Áng, thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, KKT Cửa khẩu Cầu Treo cũng được tập trung đầu tư, khai thác tối đa lợi thế phục vụ phát triển…


Vinhome Hà Tĩnh được quy hoạch xây dựng đẳng cấp, tinh tế.

Đặc biệt hơn, định hướng tổ chức phát triển vùng kinh tế, KKT thời gian qua đã bước đầu hình thành những nét chấm phá đặc trưng của từng vùng. Nếu như vùng biển và ven biển “bám” quy hoạch cần ưu tiên dịch vụ du lịch thì thời gian gần đây đã thể hiện khá rõ với Trung tâm Giải trí đua chó Xuân Thành (Nghi Xuân) hay Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót (Lộc Hà)...

Trong những năm qua, công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực và thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn, định hướng dài hạn, số lượng đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tăng lên đáng kể, chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được nâng cao, cải thiện, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có một số đô thị đã phủ kín 100% quy hoạch phân khu; một số đô thị đã được phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch và đang triển khai lập quy hoạch phân khu, đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 50% (tăng 6,0% so với năm 2016), các dự án đầu tư xây dựng triển khai đều lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 đô thị, hầu hết quy hoạch chung các đô thị đã được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Công tác đầu tư xây dựng được kiểm soát chặt chẽ từ các khâu giới thiệu địa điểm, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế cơ sở… đưa công tác quy hoạch đi trước một bước, chủ động nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch và làm cơ sở lập dự án và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các đồ án quy hoạch thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên đáng kể, chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được cải thiện.

Tại lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác “Xây dựng và thực hiện chương trình trung hạn lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị nông thôn”. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh khẳng định: “Các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt và được triển khai đã làm cho diện mạo đô thị và nông thôn Hà Tĩnh thay đổi hàng ngày. Nhiều khu đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đường phố, vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị có nhiều chuyển biến đã khai thác được các tiềm năng và lợi thế trong việc phát triển đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng tốc độ phát triển của hệ thống giao thông đường bộ đã kết nối và thúc đẩy các vùng miền trong tỉnh phát triển nhanh hơn, kinh tế và diện mạo nông thôn tại các vùng quê cũng thay đổi hàng ngày”.

Trao đổi về việc hiện thực hoá các quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Trần Xuân Tiến cho biết: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bám sát Quy hoạch là nên tảng để phát triển bền vững”.

Theo Uyên Uyên/Báo Xây Dựng.vn