Khi đã thành “nhu cầu”
Bây giờ, với người dân Hà Tĩnh, XDNTM từ “yêu cầu” đã trở thành “nhu cầu”, từ “hy vọng” đã trở thành “khát vọng”, từ nhận thức “phải làm” nay “muốn được làm”. Điều quan trọng hơn, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, các địa phương không chỉ dừng lại ở đó mà tiếp tục nâng cấp chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
“Vì nguồn lực hạn chế, ngay từ đầu xã đã xác định, thay đổi suy nghĩ của người dân để dân thực sự đồng tình, phát huy cao tinh thần tự giác, lấy đó làm động lực quan trọng xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Sau khi được tuyên truyền cụ thể, người dân luôn đồng hành, nỗ lực cùng xã thực hiện các tiêu chí giữa bộn bề gian khó”, ông Đặng Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Thạch Tiến (huyện Thạch Hà), chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thạch Tiến đã tổ chức 22 đợt ra quân cao điểm, khơi dậy phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thể nhân dân, huy động được gần 13.500 ngày công xây dựng với giá trị tương đương gần 1,4 tỷ đồng. Qua đó, làm mới được 8,1km rãnh thoát nước; 6,5km bồn hoa, trồng thêm 6,2km hàng rào xanh; nạo vét 8km kênh mương nội đồng, đổ đắp lề 15km…
Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, cấp ủy, chính quyền xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ) xác định: Đây mới chỉ là bước đầu, do vậy không thể lơ là, tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Ban chỉ đạo XDNTM xã đã chỉ đạo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm rà soát, đánh giá nhằm củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí số 20 (khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu).
Toàn xã tập trung hoàn thành 4/4 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, chú trọng các tiêu chí cần nhiều nguồn lực là hình thức tổ chức sản xuất và kết cấu hạ tầng. Các thôn, xóm huy động nguồn lực hoàn thành 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, chú trọng cảnh quan, vệ sinh môi trường, hệ thống thoát nước thải khu dân cư, bồn hoa, cây cảnh, chỉnh trang nhà ở, quy hoạch, chỉnh trang vườn hộ gắn với nâng cao thu nhập; xây dựng mỗi thôn, xóm có 1 - 2 điểm nhấn về cảnh quan, là điểm đến của các đoàn khách tham quan.
Với sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân, xã Tùng Ảnh đã đạt được kết quả tích cực: 6 tháng đầu năm 2018 đã huy động được 9,68 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,98 tỷ đồng, nguồn con em xa quê đóng góp 1 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ khác 6,7 tỷ đồng; mở rộng 2,7km đường bê tông, lắp đặt 97 biển báo giao thông, làm mới 3,4km mương thoát nước thải khu dân cư, xây dựng mới 6,5km bồn hoa, cây cảnh, chỉnh trang 12/12 nhà văn hóa thôn và bổ sung các thiết chế văn hóa...
“Lột xác”, thay đổi diệu kỳ
Từ năm 2011 đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình XDNTM ở Hà Tĩnh đạt 100.226 tỷ đồng, trong đó, vốn trực tiếp cho chương trình 5.185 tỷ đồng; vốn lồng ghép 6.814 tỷ đồng; vốn tín dụng 80.534 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp góp 2.127 tỷ đồng; dân đóng góp vật chất và ngày công 4.702 tỷ đồng và vốn huy động từ nguồn khác hơn 861 tỷ đồng.
Ngoài ra, 111 đơn vị được UBND tỉnh giao, chấp thuận đỡ đầu cho 173 xã; các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi được 745 tổ chức, cá nhân tài trợ thực hiện chương trình với tổng kinh phí đỡ đầu tài trợ hơn 1.253 tỷ đồng.
Không chỉ hăng hái hiến đất, mở đường, người dân khắp các địa phương ở Hà Tĩnh còn trực tiếp thi công, giám sát xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhờ phát huy hiệu quả chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, Hà Tĩnh đã tạo thêm nguồn lực đáng kể, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhờ đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, tạo diện mạo mới khang trang ở nhiều địa phương, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm thông qua cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn. Toàn tỉnh mở mới 1.605km đường đất, nâng cấp 2.727km đường cấp phối, 7.471km đường nhựa, xây mới 403 cầu, 15.616 cống các loại, nâng cấp, sửa chữa 194 cầu, 5.983 cống các loại…, nâng số km đường giao thông nông thôn được nhựa, bê tông hóa lên 10.754km (trên tổng số 14.303km); 100% các xã có đường ôtô đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hoá; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, giai đoạn 2008 - 2018 đã xây mới 1.619 phòng học, 223 nhà công vụ, 112 nhà tập đa năng, 113 phòng giáo dục, thể chất, 176 công trình vệ sinh; 134 trạm y tế được đầu tư xây mới, 108 trạm y tế được cải tạo, nâng cấp…
“Đến nay, việc XDNTM đã ăn sâu vào máu thịt của nhiều cán bộ và người dân, có những vùng quê như “lột xác”, thay đổi một cách diệu kỳ. Thực lòng mà nói, nếu không XDNTM thì Hà Tĩnh không thể có hệ thống điện, đường, trường, trạm kiên cố, hiện đại như bây giờ; đặc biệt là công tác tổ chức lại sản xuất chuyển từ manh mún, nhỏ lẻ sang hàng hóa tập trung quy mô lớn…”, ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối XDNTM tỉnh Hà Tĩnh, cho hay.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời điểm này, các địa phương trên toàn tỉnh đang tập trung huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các phần việc theo khung kế hoạch đã xây dựng. Phấn đấu đến cuối năm 2018 tăng thêm ít nhất 26 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 61,5% tổng số xã (mục tiêu đến năm 2020 của cả nước là 59,7% tổng số xã, như vậy Hà Tĩnh về đích trước 2 năm). Thu nhập của người dân khu vực nông thôn bình quân đạt 28 triệu đồng/năm, tăng 3,3 lần so với năm 2010. Dự kiến cuối năm nay, tỉnh sẽ có 268 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 3.000 vườn mẫu...
Theo Trà Giang/kinhtenongthon.vn