Được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của chính quyền địa phương về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cây cà gai leo đã được lựa chọn trồng thử nghiệm với mong muốn dần hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu để tạo nguồn sản phẩm lớn cung cấp cho thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Mô hình trồng cà gai leo được Hợp tác xã (HTX) Phú Phong, xã Kỳ Giang đầu tư triển khai từ giữa năm 2017. Trước khi thực hiện, các thành viên của HTX Phú Phong đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây cà gai leo ở một số tỉnh bạn và được hỗ trợ đầu tư cơ sở ban đầu như: khoan giếng nước, lắp đặt hệ thống tưới, hệ thống đường điện… trên quy mô hơn 10ha, vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng và được Công ty Sơn Trung (Phú Thọ) liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Cây cà gai leo trồng không quá khó. Đất sau khi được làm tơi xốp, lên luống và lắp đặt hệ thống tưới thì trải màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm cho đất, chống cỏ dại và côn trùng phá hoại. Quá trình chăm sóc cho đến lúc thu hoạch chủ yếu bón phân chuồng đã ủ hoai hoặc phân vi sinh và làm cỏ là chính.
Anh Thiều Minh Phong, Giám đốc HTX Phú Phong, chia sẻ: “HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích thêm 10ha để trồng loại cây này. Ngoài chi phí đầu tư, chi phí mua giống cũng khá lớn. Nếu mua giống cây đã được 20-25cm về trồng thì giá 1.400 đồng/cây; còn nếu mua hạt về tự ươm thì khoảng 800 đồng/cây. Cà gai leo cho thu hoạch 2 vụ/năm. Khi thu hoạch cắt lấy phần thân cây và để lại phần gốc khoảng 5-10cm cho cây tiếp tục sinh trưởng. Lợi thế của loài cây này là có thể trồng tới 3 năm mới phải bỏ đi trồng lại.”
Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang, cho biết: Trong quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Kỳ Giang xác định sẽ quy hoạch 3 vùng chính: trồng hoa màu, trồng lúa chất lượng cao và trồng cây dược liệu. Cà gai leo là loài cây dược liệu lần đầu tiên được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn xã Kỳ Giang. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, cây đang sinh trưởng phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Theo tính toán, nếu mô hình thành công thì hiệu quả về kinh tế sẽ cao gấp 2-3 lần so với trồng ngô, lạc,... Hiện nay, chính quyền địa phương đang tiếp tục quy hoạch diện tích canh tác kém hiệu quả trên địa bàn xã để chuyển đổi sang trồng thâm canh cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao. Đây sẽ là hướng đi mới, giúp đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh nói riêng và trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung.
Theo Nguyễn Hoàn/Báo KTNT.vn