Hải Dương: Vận động nông dân liên kết theo chuỗi giá trị giúp giảm chi phí đầu vào trên 5%

Hải Dương: Vận động nông dân liên kết theo chuỗi giá trị giúp giảm chi phí đầu vào trên 5%
Những năm qua, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, coi đây là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho bà con.
Tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao trong tỉnh chiếm 67,04%.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách khuyến khích liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời xây dựng và hỗ trợ hoạt động cho các mô hình tổ, nhóm liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, tỉnh Hội giao nhiệm vụ xây dựng các mô hình liên kết hợp tác cho Hội ND các huyện, thành, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân.
 
 
Trên cơ sở định hướng của ngành nông nghiệp, các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân liên kết đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.
 
 
Nhờ đó, tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao như: Bắc Thơm số 7, nếp quýt, nếp cái hoa vàng… chiếm 67,04%. Toàn tỉnh xây dựng được 144 mô hình lúa quy mô tối thiểu 30ha/vùng, gieo cấy “1 vùng, 1 giống, 1 thời gian” gắn với bao tiêu sản phẩm, tổng diện tích đạt 4.807 ha; xây dựng được 79 vùng rau màu tập trung, quy mô tối thiểu 5ha/vùng gắn với bao tiêu sản phẩm, tổng diện tích đạt 876ha, tập trung ở các huyện: Gia Lộc, Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Miện.
 
 
Sản xuất cây ăn quả chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây vải già cỗi, kém hiệu quả, tăng diện tích các vùng trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Ổi, bưởi Đào ở huyện Thanh Hà, cam Canh, cam Vinh ở xã Thất Hùng (huyện Kinh Môn), xã Chi Lăng Nam, Diên Hồng (huyện Thanh Miện), xã Lê Lợi (thành phố Chí Linh); xây dựng các vùng sản xuất gà thương phẩm thả vườn (đồi) chất lượng cao như: Gà chọi lai, ri lai, mía lai, quy mô trên 70.000 con/vùng, tập trung tại các huyện, thành phố như: Chí Linh, Thanh Hà, Tứ Kỳ; xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô trên 30ha/vùng, nuôi thâm canh các loại thủy sản được thị trường ưa chuộng như: cá trắm cỏ, rô phi Đường Nghiệp, chép lai V1, tôm càng xanh, tập trung ở các huyện: Tứ Kỳ, Thanh Miện, Gia Lộc, Nam Sách, Bình Giang…
 
 
Hàng năm, Hội ND các cấp đã tổ chức trên 1.500 lớp tập huấn kỹ thuật, gần 100 lớp dạy nghề cho hội viên, nông dân. Các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học trong danh mục được phép sử dụng, có chất lượng tốt được giới thiệu để hội viên thảo luận và thống nhất sử dụng. Các quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm an toàn tiếp tục được nông dân áp dụng rộng rãi. Toàn tỉnh, 19 cơ sở sản xuất rau, củ an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, diện tích 213,9 ha, sản lượng 6.000 tấn/vụ cung ứng ra thị trường; gần 8.000 ha rau màu, cây ăn quả được sản xuất theo quy trình VietGAP; 100ha lúa sản xuất hữu cơ; 13 vùng vải thiều xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU với tổng diện tích 131 ha…
 
 
Các cấp Hội đã tích cực vận động bà con nông dân thành lập các mô hình tổ, nhóm liên kết sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong hình thành các tổ vay vốn để khai thác nguồn vốn vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, các cấp Hội đã tín chấp với ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng CSXH tạo nguồn vốn trên 2.300 tỷ đồng, phát triển nguồn Quỹ HTND các cấp hỗ trợ trên 72 tỷ đồng phát triển các mô hình.
 
 
Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với các Công ty, doanh nghiệp có uy tín tổ chức cung ứng trả chậm trên 5.000 tấn phân bón NPK Lâm Thao, Hà Anh; trên 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi và hàng chục ngàn cây giống tốt như: Mít siêu sớm Thái Lan, bưởi Diễn, cam Vinh; hàng triệu con giống gà chọi lai, gà ri lai, cá chép V1, rô phi Đường Nghiệp, hàng trăm tấn chế phẩm thuốc thú y, thủy sản…, qua đó giúp nông dân giảm áp lực về vốn và mua được các vật tư đầu vào chất lượng tốt với giá cả hợp lý, góp phần hạ giá thành sản phẩm đầu ra.
 
 
Hội ND các cấp thực hiện hiệu quả nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội. Tiêu biểu như: Dự án “Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp” đã giúp nông dân vay hơn 300 tỷ đồng mua trên 1.523 máy nông nghiệp các loại, số tiền hỗ trợ lãi suất trên 20 tỷ đồng; dự án nuôi gà ri lai Lương Phượng thương phẩm, nuôi gà ri vàng rơm thương phẩm; dự án “Xây dựng mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn nông hộ” giúp nông dân liên kết đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với tổng số vốn hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng; xây dựng 05 mô hình điểm về liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn.
 
 
Ngoài ra, Hội còn tổ chức tập huấn, hỗ trợ vật tư phân bón, chế phẩm sinh học, bao bì nhãn mác với số tiền trên 400 triệu đồng, đồng thời làm cầu nối với doanh nghiệp để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; phối hợp với các ngành, doanh nghiệp xây dựng trên 50 mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, quy trình công nghệ mới để đông đảo nông dân tham quan học tập và nhân rộng.
 
 
Hội ND cấp huyện và cơ sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh hỗ trợ các thành viên HTX, tổ nhóm liên kết xây dựng 21 nhãn hiệu tập thể. Một số nhãn hiệu tập thể điển hình như: Củ đậu Kim Thành, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, hành Kinh Môn, tỏi Kinh Môn, bánh đa Hội Yên, xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện), vải thiều VietGAP Thanh Hà, ổi Thanh Hà, gà đồi Chí Linh, rươi Tứ Kỳ… ngày càng khẳng định chất lượng, uy tín trên thị trường.
 
 
Đồng thời, các cấp Hội tổ chức trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của các mô hình liên kết tại Hội nghị tổng kết 3 năm phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; hàng năm tiến hành lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của các mô hình tham gia trưng bày tại các Hội chợ, triển lãm; phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương tổ chức các Hội nghị giới thiệu nhiều sản phẩm tiêu biểu đã mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ, tiêu biểu như: Vải thiều VietGAP Thanh Hà đã tiếp cận được với thị trường Hoa Kỳ, Úc; nếp cái hoa vàng Kinh Môn, củ đậu Kim Thành, bánh đa Hội Yên, rươi Tứ Kỳ… được đông đảo người tiêu dùng trong nước tin dùng, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân khi tham gia liên kết sản xuất.
 
 
Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 258 mô hình tổ, nhóm, Tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhìn chung, các mô hình đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trên 5%.
 
 
Tiêu biểu như: Mô hình HTX sản xuất ổi, rau an toàn Nam Vũ, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà khởi đầu là Tổ liên kết sản xuất ổi an toàn do Hội ND cơ sở thành lập năm 2015; đến năm 2017 phát triển thành HTX có 20 thành viên, diện tích ổi, rau an toàn trên 20 ha. Hàng năm, HTX được Công ty VinGroup bao tiêu ổn định trên 50 tấn ổi và hàng chục tấn rau muống, đậu đỗ với giá cao hơn 10-20% so với sản phẩm không được chứng nhận an toàn.
 
 
Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn - xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc là mô hình điểm do Hội ND tỉnh trực tiếp xây dựng năm 2018 có quy mô 5 ha tập trung thành vùng sản xuất súp-lơ an toàn với 21 hộ tham gia. Hội ND tỉnh hỗ trợ ra mắt mô hình, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ bao bì nhãn hiệu cho sản phẩm. Các cấp Hội làm cầu nối với công ty Hưng Việt - xã Gia Tân, huyện Gia Lộc ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá ổn định. Vụ đông năm 2018, giá súp-lơ trên thị trường có thời điểm xuống thấp dưới 2.000 đ/cây, song nông dân trong mô hình vẫn bán được giá 4.000 đồng - 5.000 đồng/cây súp-lơ theo hợp đồng giúp nông dân tham gia mô hình thu lợi nhuận trên 3 triệu đồng/sào/vụ.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, vận động nông dân tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và nhu cầu của xã hội, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị hàng hóa, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo Kim Nhật/hoinongdan.org.vn