Hải Phòng xây dựng mô hình liên kết cho nông sản sạch

Trong năm 2017, Hải Phòng sẽ xây dựng thương hiệu cho 10 sản phẩm tiêu biểu và xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa quận - huyện để tìm đầu ra bền vững cho nông sản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng Phạm Văn Hà đã cho biết.
Theo đó, 10 sản phẩm tiêu biểu sẽ là những sản phẩm đặc sản của Hải Phòng, mô hình liên kết đầu tiên được triển khai trong năm 2017 là quận Hồng Bàng sẽ bao tiêu sản phẩm nông sản sạch của huyện Tiên Lãng. 

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Tiên Lãng cho biết, theo thống nhất giữa 2 bên, toàn bộ các sản phẩm rau an toàn của huyện Tiên Lãng sẽ được cung ứng cho các trường học, các bếp ăn tập thể trên địa bàn quận Hồng Bàng. 

Để triển khai mô hình này, Tiên Lãng tập trung phát huy thế mạnh của các vùng rau truyền thống, khởi điểm từ xã Tân Hưng. Khi mô hình phát huy hiệu quả, huyện Tiên Lãng sẽ nhân rộng ra các xã khác.

Sản phẩm nông sản sạch luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: TTXVN

Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình kết hợp trồng - tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa quận và huyện được xem là giải pháp khả thi nhất để khắc phục sự không khớp giữa cung và cầu rau an toàn trên địa bàn Hải Phòng. 

Theo đánh giá của các ngành chức năng tại thành phố này, thực phẩm đủ các chứng nhận về an toàn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu rất nhỏ của nhân dân thành phố nhưng ít người dân, doanh nghiệp nào mặn mà với sản xuất nông nghiệp sạch. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất manh mún, đầu ra cho sản phẩm khó khăn.

Qua khảo sát một số sản phẩm tiêu biểu của Hải Phòng như: táo Bàng La, vải thiều Bát Trang, dưa vàng Vĩnh Bảo cho thấy, nông dân chỉ đầu tư trong khả năng của mình và mong muốn đến mùa vụ, sản phẩm bán chóng vánh, được giá. Để có một sản phẩm nông sản an toàn, việc đầu tiên là phải có tiền, có đất để xây dựng quy trình sản xuất theo đúng quy chuẩn. 

Tiếp đó, trong suốt quá trình sản xuất, từ nuôi trồng, đến đóng gói, phân phối sản phẩm đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Cứ mỗi một khâu đó đều tính vào giá thành nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Thêm vào đó, quy trình phân phối sản phẩm thiếu chuyên nghiệp cũng khiến giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại tràn lan ngoài thị trường. Xã Việt Hải, huyện Cát Hải là một ví dụ. Bí thư xã Việt Hải Nguyễn Văn Lợi cho biết, đất trên địa bàn xã là nơi lý tưởng để trồng rau an toàn và phát triển một số sản phẩm đặc sản như khoai sọ Việt Hải, mật ong Việt Hải. 

Trước đây cũng đã có doanh nghiệp đến đầu tư trồng nông trại rau sạch nhưng cung - cầu phập phù, doanh nghiệp bỏ lơi hoạt động, người dân trồng rau không bán được, lại thêm một dự án khó khả thi, trong khi đó các nhà hàng, khách sạn tại Cát Bà hàng ngày vẫn phải nhập nông sản từ thành phố Hải Phòng vào để phục vụ nhu cầu ăn uống.
 
Minh Thu (TTXVN)