Hàng trăm triệu đồng đi qua, rau công nghệ cao trỗi dậy
- Thứ năm - 04/01/2018 00:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Đỗ Hữu Lâm nhận định, thời gian qua, vốn của Hội ND tỉnh Long An đã góp phần hiệu quả trong việc cùng với ngành nông nghiệp địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Dồn vốn làm rau công nghệ cao
Nông dân tham quan mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: T.Đ
"Hội ND tỉnh Long An chủ động lập dự án đề xuất Hội cấp trên xem xét hỗ trợ. Đối với vốn tự vận động được sẽ có kế hoạch giải ngân, không để tồn đọng vốn nhằm đảm bảo nguồn vốn sử dụng đạt hiệu quả cao và hỗ trợ kịp thời cho ND phát triển sản xuất”. Ông Trần QuốcToản |
Có thể thấy, trong mục tiêu ứng dụng công nghệ cao cho “3 cây, 1 con” (cây lúa, cây thanh long, cây rau và bò) của tỉnh Long An, vốn Quỹ HTND thuộc Hội ND tỉnh đã rải đều. Nhưng rau sạch đang là mục tiêu trọng điểm để nguồn vốn của Hội dồn về đây.
“Vốn Quỹ HTND của Hội ND tỉnh đang dồn cho sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Các huyện Cần Đước, Cần Giuộc đang làm khá tốt lĩnh vực sản xuất này”- ông Trần Minh Nhật – Chánh văn phòng Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết.
Lâu nay, rau màu là nguồn thu chủ yếu của hàng ngàn hộ ND ở huyện Cần Đước. Hiện, huyện này có hơn 730ha chuyên canh rau màu với khoảng 34 loại rau, năng suất bình quân 20 - 22 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm.
Khai thác lợi thế sẵn có của địa phương, Hội ND tỉnh đã dồn vốn về đây với những dự án “khủng”. Thông qua mô hình điểm “Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao” tại xã Long Khê, Quỹ HTND tỉnh đầu tư cho dự án rau ứng dụng công nghệ cao tại xã này là 500 triệu đồng.
Hiện nhiều ND xã Long Khê đã đầu tư nhà lưới, thiết bị sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Ông Trần Văn Tân, thành viên Tổ hợp tác 12 cho biết, gia đình đang sản xuất hơn 1.000m2 rau màu. “Sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi liên kết… không chỉ tăng năng suất mà giúp ổn định đầu ra” - ông thổ lộ.
Đưa dự án lớn vào “tầm ngắm”
Từ thành công của mô hình điểm tại xã Long Khê, Hội ND huyện Cần Đước đã nhân rộng mô hình ở các xã Long Trạch, Long Hòa và Phước Vân. Các xã đã vận động nông dân thành lập 4 tổ hợp tác trồng rau màu với 75 thành viên tham gia.
Tất cả thành viên đều xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ thay phân vô cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng rau.
Ngoài ra, Quỹ HTND tỉnh còn đầu tư dự án rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Trạch với số vốn 570 triệu đồng.
Theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước Nguyễn Việt Cường, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là trên cây rau, đã đạt kết quả rất khả quan. Từ các mô hình điểm, huyện đang nhân rộng tại địa phương, cũng như kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn bao tiêu sản phẩm, giúp ND yên tâm sản xuất.
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An Trần Quốc Toản đánh giá, thời gian qua, từ nguồn vốn Quỹ HTND do T.Ư Hội NDVN ủy thác và nguồn cấp bổ sung của tỉnh Long An, Hội ND tỉnh đã thực hiện các dự án trên địa bàn, nhìn chung phát huy hiệu quả tốt. Các dự án được hỗ trợ vốn đã xây dựng được các mô hình kinh tế có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều hội viên, ND, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương, giảm nghèo bền vững.
Được biết, thời gian tới Hội ND tỉnh Long An sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, chú trọng các dự án có quy mô lớn với mô hình liên kết sản xuất theo chương trình đột phá của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Trần Đáng/Báo Nông Nghiệp.vn