Hành trình đưa Hải Phòng thành điểm sáng nông thôn mới
- Thứ sáu - 16/03/2018 04:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kết thúc năm 2017, Hải Phòng ghi nhận có 74 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó, già nửa số xã (70/139) đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Nông thôn thay áo mới
Ba năm trở lại đây, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 74/139 xã đạt 19 tiêu chí (70 xã đã được công nhận NTM); 14 xã đạt chuẩn 15-18 tiêu chí và 51 xã đạt chuẩn 10-14 tiêu chí; huyện Cát Hải đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM.
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng NTM ở Hải Phòng chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò chỉ đạo đặc biệt sát sao, quyết liệt của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành với cái tâm muốn cải thiện một cách căn bản đời sống vật chất, tinh thần của 2/3 dân số Hải Phòng đang sinh sống ở vùng nông thôn.
Còn nhớ, trong buổi họp báo cách đây 3 năm, sau Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XV (2015-2020), ông Lê Văn Thành khi đó vừa đắc cử Bí thư Thành ủy đã thông tin về 8 mục tiêu lớn của Đảng bộ Hải Phòng nhiệm kỳ mới này, trong đó nhấn mạnh Hải Phòng sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2020.
Thật lòng, lúc đó tôi cũng còn hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu này, bởi cho đến khi đó, kết quả xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng đạt được vẫn ở mức khiêm tốn, chưa có gì đặc biệt để bứt phá.
Để chứng minh cho quyết tâm của Hải Phòng, ông Thành đưa ra con số 1.000 tỉ đồng thành phố sẽ dành để đầu tư cho nông thôn mới trong năm 2016. Lúc đó tôi còn tưởng mình nghe nhầm. Số tiền đó, bằng cả số tiền đầu tư của Hải Phòng cho Chương trình này trong ba năm trước đó.
Thế rồi sáng kiến hỗ trợ xi măng được triển khai. Thành phố hỗ trợ xi măng, người dân bỏ tiền mua cát, đá, bỏ công, hiến đất làm đường giao thông, chỉnh trang ngõ xóm, đường làng, đường ra đồng... Thế là nhà nhà đua nhau, ngõ xóm đua nhau, xã này đua với xã kia, huyện này thi đua với huyện khác... Cả vùng nông thôn ngoại thành Hải Phòng trở thành các công trường xây dựng. Có thời điểm, thị trường cát, đá Hải Phòng, thị trường máy trộn bê tông “cháy” hàng. Giá nhân công tăng vọt, nhất là nhân công trong lĩnh vực xây dựng tăng từ 200.000 lên 300.000 đồng/ngày công mà cũng không có thợ để thuê.
Bây giờ, ở khắp các vùng quê của Hải Phòng, bộ mặt nông thôn đã thực sự thay đổi. Đường làng thẳng tắp, được bê tông hóa rộng rãi, ô tô có thể đi lại thuận tiện. Tiện thể thi công đường làng, bà con thi nhau đổ bê tông, lát sân nhà, nâng cấp lại cổng, xây dựng lại tường rào, nhường đất cho đường làng… tạo nên một bộ mặt nông thôn mới thực sự văn minh, sạch đẹp.
Mục tiêu về đích không còn xa vời
Trước Tết nguyên đán Mậu Tuất vài ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng NTM.
Nhiều kết quả đã được chỉ ra: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào lớn, rộng khắp, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40,2 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2011; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 98,6%, nước sạch là 47,8%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư mở rộng, nâng cấp theo hướng đồng bộ, như: Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, thương mại, thông tin, văn hóa, giáo dục, y tế, góp phần quan trọng cải thiện điều kiện sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Một số hạn chế cũng đã được phân tích để rút kinh nghiệm và đầu tư tập trung cho thời gian tiếp theo. Đó là việc đổi mới mô hình tổ chức sản xuất chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả thiếu bền vững; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún; dịch vụ bảo quản, chế biến chưa phát triển; thành phố chưa có biện pháp hữu hiệu giúp người dân tiêu thụ sản phẩm; môi trường nông thôn có nơi, có lúc vẫn còn bị ô nhiễm; sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô hộ gia đình, việc ứng dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế, chưa phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng quy mô, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp; đời sống của người dân nông thôn tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng còn khó khăn...
Đánh giá đúng những kết quả đã đạt được và nhìn thẳng vào những hạn chế, những cái chưa được để có bước đi tiếp theo là cách tốt nhất để Hải Phòng phấn đấu về đích nông thôn mới.
Còn ba năm nữa để Hải Phòng thực hiện lời hứa với nhân dân. Với những gì Hải Phòng đã nói được và làm được trong 2 năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và hy vọng Hải Phòng sẽ về đích đúng hẹn!
Theo Vũ Thị Hải/Báo TTV.vn