Hậu Giang: Cải tạo vườn tạp trồng cây có múi

Hậu Giang: Cải tạo vườn tạp trồng cây có múi
Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả; trồng sầu riêng trong rừng tràm; sản xuất cây giống xuất khẩu là tin VAC nổi bật...

Hàng năm, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, luôn hướng dẫn, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả. Nhờ đó, thu nhập và đời sống người dân trong xã ngày càng khấm khá

hau-gi-979.jpg

Ông Quang đã cải tạo vườn tạp và cho thu nhập cao từ mô hình cây có múi.

Mỗi năm, nhiều diện tích vườn tạp của xã được người dân cải tạo thay vào đó là những vườn cây có thu nhập cao như thanh long ruột đỏ, cam sành, cam xoàn... Đó là nhờ địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có nhu cầu cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Thực hiện theo định hướng của địa phương, hộ ông Nguyễn Văn Quang, ở ấp 2, đã cải tạo hết 4.000m2 đất vườn tạp thành vườn cam trĩu quả. Đang tất bật thu hoạch những chùm cam xoàn chín mọng trên cây, ông Quang chia sẻ: “3 năm trước, vườn nhà tôi trồng đủ thứ như mía, chuối, quýt, dừa, mỗi loại một ít nên khó chăm sóc, không cho thu nhập là bao. Xem báo, đài và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xóa vườn tạp nên tôi tập trung cho một loại cây trồng để tiện chăm sóc. Ban đầu tôi thử nghiệm với 3 công cam sành. Không ngờ, cây cũng thích hợp với vùng đất này và cho trái sai 2 vụ rồi”.

Thấy mô hình đã cho gia đình nguồn thu nhập như mong muốn nên ông Quang tiếp tục lên liếp trồng cam. Nhưng lần này ông chọn cam xoàn vì loại cây này cho giá trị gấp đôi so với cam sành. Sau nhiều lần tham gia lớp tập huấn kỹ thuật, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, đến nay vườn cam xoàn của ông đã cho trái chiếng. Sau 20 tháng trồng, dù được bón phân hóa học rất ít nhưng 1.000m2 cam xoàn của ông cũng đem về cho gia đình nguồn thu đầu vụ với hơn 200kg cam, bán được giá 19.000 đồng nên cả gia đình phấn khởi. Ông Quang cho biết: “Tôi rất hạn chế bón phân hóa học, chỉ bón ở những giai đoạn cần thiết và kết hợp với phân hữu cơ để cây phát triển lâu bền. Tôi còn ủ khoảng 1 tấn rơm, rạ mục trộn phân gà để dành bón phục hồi cây sau đợt thu hoạch trái năm nay. Dự kiến năm tới, với cách bón phân đúng kỹ thuật, vườn cam của tôi sẽ cho năng suất 3 tấn trái”.

Bên cạnh trồng cam thì mô hình cải tạo vườn tạp khác trên địa bàn cũng đang dần cho hiệu quả. Đó là mô hình trồng thanh long ruột đỏ đang phát triển được 1,3ha cho thu nhập gần 100 triệu đồng/công. Mô hình chăn nuôi, thủy sản của địa phương cũng đang trên đà phát triển, cho thu nhập khá. Điển hình là nuôi lươn sinh sản của ông Lê Văn Dững, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây. Ông Dững được trải nghiệm với mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo khi tham gia một dự án khoa học của ngành thủy sản tỉnh. Sau đó, ông đã thu được nguồn lãi hơn 100 triệu đồng chỉ với 200m2 nuôi. Đến nay, ông nâng quy mô sản xuất lên 30.000 con giống, cung cấp cho nhiều hộ trong và ngoài địa phương. Ông Dững cho hay: “Tôi làm nghề nuôi lươn thịt gần chục năm nay nhưng thấy không hiệu quả bằng lươn giống. Nhờ ứng dụng được kỹ thuật nuôi lươn bán nhân tạo mà rút ngắn được thời gian nuôi lươn đẻ. Nếu chăm sóc theo kỹ thuật này thì chỉ sau 5 tháng là lươn cho sinh sản. Mỗi ký lươn giống đạt khoảng 200 con, giá bán dao động tùy mùa nhưng thường ở mức 3.500-4.000 đồng/con. Mỗi năm, mô hình cho thu nhập trên 110 triệu đồng”. Đáng nói nhất, hiệu quả của mô hình nuôi lươn là bà con không cần diện tích đất sản xuất lớn mà vẫn có thể áp dụng.

Cán bộ kỹ thuật xã Vĩnh Thuận Tây Phùng Thái Duy thông tin: Ngoài mô hình nuôi lươn thì xã còn có phong trào nuôi thủy sản kết hợp trong ruộng lúa đã và đang phát triển mạnh với hơn 19ha. Các giống cá được bà con chọn là cá trê, cá lóc được nuôi trên ruộng lúa vụ 3 bằng hình thức quảng canh cải tiến. Với các hình thức nuôi vừa sử dụng thức ăn tự nhiên, vừa kết hợp thức ăn sẽ góp phần bổ sung dinh dưỡng cho cá, đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây Nguyễn Thanh Thoảng, cho hay: Để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng, cải thiện mô hình sinh kế, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể và các ấp hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kỹ thuật giúp bà con cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả đạt kết quả cao. Ngoài ra, địa phương cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện định hướng, khuyến cáo nông dân trồng, nuôi những loại cây phù hợp, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bến Tre: Sản xuất cây giống xuất khẩu lãi 3 tỷ đồng/năm 

Một nông dân ở Chợ Lách (Bến Tre) đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm, lãi khoảng 3 tỷ đồng/năm nhờ mô hình sản xuất cây giống thương phẩm.

b-tre-97.jpg

Giống cây Sầu riêng do chính ông Huỳnh Trần Quốc Phi ươm ghép (Ảnh: Nhật Trường)

Đó là ông Huỳnh Trần Quốc Phi, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có đến 6 trại sản xuất cây giống. Trong đó, cá nhân ông sản xuất khoảng 10 loại giống trái cây chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long và liên kết sản xuất 20 loại giống trái cây khác.

Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước, cây giống của ông Huỳnh Trần Quốc Phi còn xuất khẩu ra các nước Lào, Campuchia. Từ đầu năm đến nay, ông Huỳnh Trần Quốc Phi đã cung ứng cho thị trường hơn 1,3 triệu sản phẩm cây giống, trong đó có 700.000 sản phẩm đã đưa đi xuất khẩu.

Hiện ông Huỳnh Trần Quốc Phi là một trong những nông dân sản xuất cây giống có quy mô lớn và chất lượng đi đầu trong số hơn 3.000 hộ làm nghề sản xuất cây giống ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

“Phải có vườn cây đầu dòng và có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật để khi ghép lên cây khỏe, thì sẽ bán được cho các mối lớn hoặc các thương lái đã tin tưởng nhiều năm, họ đến lấy nhiều hơn. Năm 2019, mình đã ký với các đối tác bên Campuchia và Lào hơn 1 triệu sản phẩm”, ông Huỳnh Trần Quốc Phi chia sẻ.

Sầu riêng trong rừng tràm

Bằng đam mê, chịu khó, gia đình chị Phan Thị Lụa, Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã “chinh phục” thành công cây sầu riêng.

sau-rieng-7991.jpg

 Sầu riêng trong rừng tràm phát triển khá tốt, cá biệt có cây cho 100 trái, có trái nặng đến 7 kg.

Là cây ăn trái được ưa chuộng từ nhiều vùng, miền khác nhau và cũng là cây khá “khó tính” bởi đặc điểm sinh trưởng tuỳ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu, thế nên khó ai có thể nghĩ rằng, sầu riêng lại “bén duyên” trên vùng đất nhiễm phèn mặn như Cà Mau.

Đến thăm vườn sầu riêng vào đúng mùa thu hoạch, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, cuốn hút bởi những hàng sầu riêng nặng trĩu quả. Càng bất ngờ hơn khi vùng đất nhiễm phèn mặn như U Minh lại có thể phát triển được loại cây này.

Vừa bước vào vườn, nghĩ chúng tôi đến mua sầu riêng, chị Phan Thị Lụa tiếc nuối: “Phải mọi người đến sớm hơn thì có sầu riêng rồi. Sáng nay rụng hơn 20 trái đã bán hết . Có người “đặt hàng” hoài không được, phải chạy đến đây từ rất sớm để đợi mua”.
Là vườn sầu riêng đầu tiên của Cà Mau và cũng là vườn cây ăn trái có cách thu hoạch “đợi rụng” nên mọi người đều rất háo hức bởi sự mới lạ và độ “lành” của nó.

Khi hỏi về nguyên nhân từ đâu mà gia đình quyết định chọn cây sầu riêng để trồng, chị Lụa thật thà đáp: “Lúc trước thấy nhà người quen, cũng ở trong vùng này trồng được mấy cây sầu riêng mà cho trái tốt quá nên vợ chồng tôi quyết định trồng thử”.
8 năm trước, với 20 gốc sầu riêng được mua từ ghe bán cây giống chở về Cà Mau, vợ chồng chị đã “âm thầm” thử nghiệm trồng trong vườn nhà mình. Trên diện tích 7 ha trồng tràm kết hợp trồng lúa và gần 1.000 gốc quýt, những cây sầu riêng đầu tiên được trồng xen lẫn và phát triển thành vườn cây sai trái như hôm nay.

Chia sẻ về cách trồng thành công loại cây này trên vùng đất rừng tràm, chị Lụa bộc bạch: “Ngay bản thân tôi cũng không nghĩ rằng cây sầu riêng sẽ phát triển thành công trên vùng đất phèn mặn này. Nhưng vì “ham” canh tác cây ăn trái và thích trồng những loại cây mới lạ nên trồng thử nghiệm thôi. 2 năm trước cây cho trái đầu tiên cũng ít, năm nay mới rộ, thấy ham lắm”.

Năm vừa rồi là vụ thu hoạch trái đầu tiên, gia đình chị Lụa thu về khoảng 40 triệu đồng. Trong đó, cá biệt có cây lên đến 100 trái và có trái cân nặng gần 7 kg. Riêng vụ này, gia đình chị thu hơn 50 triệu đồng.

Chị Lụa cho biết thêm: “Sầu riêng có giá lắm, năm rồi chỉ 60.000-70.000/kg, vụ này bán được tới 90.000 đồng/kg. Nhưng không cần đem bán, người ta tới tận vườn mua”.

Được biết, khu đất nhà chị Lụa khá cao so với mặt bằng chung của địa phương. Theo kinh nghiệm của nhiều người dân trồng vườn lâu năm, nếu chịu khó chăm sóc, canh tác, học hỏi thêm kỹ thuật thì đây sẽ là mô hình hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao, tạo được nông sản sạch tại địa phương, góp phần đa dạng hoá cây trồng, tăng thu nhập cho cư dân dưới tán rừng tràm./.

Theo An Như/Báo KTNT.vn