Hiệu quả mô hình nuôi bồ câu theo quy mô hộ gia đình
- Thứ tư - 27/08/2014 23:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cách đây khoảng chục năm, việc nuôi bồ câu lấy thịt tại hộ gia đình là một cách làm còn xa lạ với người nông dân Hạ Hòa. Bởi ai cũng quan niệm rằng, bồ câu chỉ là giống chim để cho những gia đình có điều kiện nuôi làm cảnh. Nhưng cách nghĩ ấy giờ đã khác khi trạm khuyến nông huyện cùng Hội nông dân đã tích cực tuyên truyền, tư vấn về việc đưa vào cây con mới trong kinh tế nông nghiệp hộ gia đình thì chim bồ câu trong những năm gần đây đã được đưa vào nuôi ở các hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện.
Bắt tay vào nuôi bồ câu, lúc đầu ai cũng nghĩ sẽ phải đầu tư lớn về công sức và kinh phí. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, theo các hộ nông dân ở Hạ Hòa, việc đầu tư vốn ban đầu để làm chuồng chim lại hoàn toàn nhỏ. Các hộ gia đình chỉ cần tận dụng những mảnh gỗ ép, những thanh gỗ nhỏ và lá cọ là có thể đóng được những chuồng bồ câu. Hơn nữa, thức ăn cho bồ câu lại khá phong phú. Nếu biết tận dụng những sản phẩm trong nông nghiệp như thóc, sắn, khoai, bí, rau xanh, cám ngô thì việc chăn nuôi bồ câu hoàn toàn đơn giản. Khí hậu vùng trung du Hạ Hòa lại hoàn toàn phù hợp với bồ câu, nơi đây có nhiều đồi rừng sẽ tạo điều kiện cho việc thả rông bồ câu. Xác định được những điều kiện thuận lợi như vậy, nhiều hộ gia đình ở các xã như Minh Côi, Văn Lang, Động Lâm, Hiền Lương, thị trấn Hạ Hòa, Ấm Hạ, Yên Kỳ, Hương Xạ…đã tiến hành lập mô hình nuôi bồ câu với quy mô lớn, không còn theo kiểu nuôi chim làm cảnh như trước.
Việc nuôi bồ câu của nông dân Hạ Hòa được tiến hành theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy ít phát triển nhiều, lấy đôi để phát triển đàn. Chính vì vậy, ban đầu, các hộ đã thử nghiệm bằng một vài đôi nhỏ, thấy chim lớn đều, đẻ và thích nghi với điều kiện nuôi thả thì tiếp tục nhân giống và phát triển đàn lên số đông. Theo các hộ nông dân, đa số chim giống đều khỏe mạnh, thích hợp với điều kiện nuôi và sinh sản đúng thời gian.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hạ Hòa có tới vài trăm hộ gia đình nuôi bồ câu theo hướng phát triển kinh tế. Qua thực tế nuôi và chăm sóc bồ câu, các hộ nông dân đã nhận thấy, đây là một hướng phát triển kinh tế khá hiệu quả nếu được thực hiện đúng cách, đúng quy trình. Gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở khu 4 xã Ấm Hạ đầu tư ban đầu nuôi 30 đôi chim bồ câu. Việc chăn nuôi bồ câu được gia đình bà tận dụng thức ăn có sẵn kết hợp với cám gia cầm dành cho chim bồ câu. Khi số lượng chim mái đến tuổi sinh đẻ, cứ 20-30 ngày ấp trứng, chim mẹ lại cho một đôi chim non. Cứ như thế, chuồng chim của gia đình bà được nhân rộng lên tới hơn 200 con. Nhờ vậy, vào thời điểm nào, gia đình bà Nga cũng có chim bồ câu thịt bán cho người dân và bán ra thị trường. Hiện nay, giá mỗi đôi chim thịt bán ra được 140-150 ngàn đồng/đôi. Bởi thế, với việc phát triển đàn chim quanh năm, gia đình bà Nga đã có thu nhập đáng kể từ mô hình nuôi chim bồ câu.
Hiện nay, ngoài giống bồ câu truyền thống thì người dân Hạ Hòa đã đưa vào nuôi giống bồ câu Pháp. Đây là giống bồ câu có trọng lượng to hơn, nặng hơn so với giống bồ câu thường, sinh sản đều, thức ăn và điều kiện khí hậu thích hợp. Khi nuôi và chăm sóc bồ câu, người dân chú ý vệ sinh chuồng thường xuyên, chế độ cho ăn, uống đều đặn, hợp lý, kịp thời phát hiện chim bệnh khi có dấu hiệu. Qua nhiều năm thử nghiệm tại hộ gia đình, mô hình nuôi chim bồ câu là hướng vươn lên thoát nghèo, làm giàu đầy triển vọng của người nông dân Hạ Hòa.
Theo hoinongdan.org.vn