Hiệu quả nuôi chim bồ câu Pháp

Hiệu quả nuôi chim bồ câu Pháp
Thời gian qua, huyện Gia Bình có nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, trong đó có mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình ông Trần Văn An, thôn Chính Thượng, xã Vạn Ninh.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đem đến cho gia đình ông An nhiều lợi nhuận.

 

Cuối năm 2013, được biết hiệu quả mô hình nuôi chim bồ câu Pháp qua một người bạn, nhận thấy có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện của gia đình, ông An quyết định đầu tư 10 triệu đồng làm chuồng nuôi chim trên diện tích đất 60m2. Bắt đầu với 10 cặp, nhờ làm tốt khâu chăm sóc nên đàn bồ câu tăng dần qua từng tháng. Hiện tại gia đình ông có 300 cặp bồ câu bố mẹ sinh sản.

Dẫn tôi đi thăm quan mô hình nuôi chim bồ câu, ông An chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc: Chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, sinh sản nhanh và không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, thức ăn chính của chúng là lúa, ngô trộn lẫn. Người nuôi chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh chuồng trại, cách phòng dịch bệnh. Chuồng nuôi phải bố trí nơi cao ráo, thoáng mát, bảo đảm tránh mưa và không có gió lùa. Dãy chuồng chim được chia thành từng ô nhỏ, mỗi ô nhốt một đôi chim, trong ô đặt một ổ đẻ lót bằng rơm khô. Máng ăn, máng uống nước cho chim được thay rửa thường xuyên, lúc nào cũng sạch sẽ.

Thịt chim là thực phẩm giàu dinh dưỡng, người dân có nhu cầu sử dụng cao nên dễ tiêu thụ. Mỗi cặp chim bồ câu có thể đẻ tới 7 đến 8 lứa mỗi năm, mỗi lứa 2 trứng. Với 300 cặp chim ở độ tuổi đang sinh sản, mỗi tháng gia đình ông An có thể bán khoảng 200 cặp chim bồ câu vừa giống vừa thịt. Trung bình giá 1 cặp chim giống hiện khoảng 350.000 đồng, giá chim thịt khoảng 120.000 đồng/cặp, mỗi tháng trừ chi phí gia đình ông có nguồn thu từ 6 đến 7 triệu đồng. Đây là một con số không hề nhỏ với một hộ dân ở nông thôn.

Theo Trần Thư/ Báo Bắc Ninh