Hiệu quả rõ rệt, nông dân hài lòng
- Thứ năm - 13/07/2017 20:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là vụ thứ 3 liên tiếp chương trình này được triển khai ở vựa lúa của cả nước sau 2 vụ trước đạt được nhiều hiệu quả rất rõ rệt, được nông dân và tất cả các đơn vị tham gia thực hiện rất hài lòng.
Ruộng mô hình tại Cà Mau vẫn xanh tốt mặc dù khô hạn không bón phân được |
Một trong những phần phải thực hiện của chương trình là các mô hình trình diễn phải ở các địa phương, mỗi mô hình thực hiện phải có tổng diện tích 2,5ha, bao gồm 5 hộ dân canh tác thực hiện theo đúng các biện pháp kỹ thuật đã được chuyển giao từ các nhà khoa học.
Mục tiêu thực hiện chương trình này là đưa các tiến bộ kỹ thuật đến với người nông dân, giúp nông dân sản xuất thu hoạch với năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng tuyệt đối.
Qua quá trình thực hiện, đến nay ban cố vấn đã trực tiếp theo dõi tất cả các mô hình, ở các giai đoạn khác nhau của cây lúa từ khâu làm đất, đẻ nhánh và làm đòng đã cho thấy, cây lúa ở tất cả các mô hình đều đang phát triển tốt, kháng bệnh, đem lại năng suất cao.
Nông dân tiếp thu với phương pháp khoa học, kỹ thuật cấy lúa mới bước đầu đem lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng.
Để được kết quả như mô hình nông dân đã phải làm đúng theo các khâu của chuyên gia như:
Khâu làm đất: Phải hiểu biết về thổ nhưỡng, vai trò của đất đến sự sinh trưởng cây lúa nên cần tập trung trong công việc làm đất đầu vụ. Tùy điều kiện thực tế từng địa phương, mà nông dân tiến hành cày ải, phơi đất, sử dụng các thiết bị đo pH, độ mặn để cải tạo đất phù hợp, sử dụng các biện pháp bón lót, cho nước ngọt vào ruộng để ém chua, rửa phèn, cày xới phù hợp với từng nhóm đất trồng, đánh rãnh, làm đất bằng phẳng…
Khâu chọn giống lúa: Tất cả các mô hình đều sử dụng giống xác nhận, có nguồn gốc và sạ thưa theo khuyến cáo. Biện pháp sạ có khác nhau bao gồm sạ hàng, sạ thưa bằng máy hoặc bằng tay, sạ ngầm cải tiến, cấy… Tuy nhiên tất cả các mô hình đều sử dụng không quá 80kg giống/ha. Nhiều nông dân cho biết, thường thì họ sạ khoảng 200kg/ha cho vụ HT do cây lúa đẻ nhánh ít, nếu sạ ít sẽ không có mạ dặm và còn đề phòng mưa gây chết giống, ốc bươu vàng cắn phá.
Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này cây lúa đều phát triển tốt, nông dân rất phấn khởi. Anh Huỳnh Văn Nhất ở mô hình tại xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, Trà Vinh cho biết: “Ban đầu sạ thưa như vậy bà con trong xóm ai cũng cười, vợ cũng rầy, nhưng đến nay lúa được 55 ngày, thì cây lúa sinh trưởng tốt, sâu bệnh rất ít, các ruộng lân cận sạ dày thì bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá rất nặng. Bà con quanh đây thấy ruộng lúa nhà mình xanh tươi mà kháng bệnh, ít chi phí ai cũng khen làm tôi rất vui ”.
Nông dân dần trở thành chuyên gia
Trong những năm gần đây nông dân nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa làm cho cả năng suất lẫn chất lượng ngày một tăng cao, ngay cả khi khí hậu diễn biến thất thường thì sản lượng cũng không thay đổi.
Kiểm tra biện pháp làm đất, hướng dẫn sạ giống bằng máy phun hạt |
Điển hình qua các mô hình tại xã An Xuyên, TP Cà Mau khi bà con nông dân biết chủ động sử dụng thêm phân bón lá phun bổ sung khi khô hạn đầu vụ làm cho cây chắc khỏe, đủ dinh dưỡng, phát triển mạnh chịu hạn cao.
Hay tại mô hình được thực hiện tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, Long An, nông dân đã tự mình theo dõi, phân tích, nguyên nhân và xử lý ngộ độc phèn giữa vụ cho cây lúa. Không những thế bà con ở đây luôn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Bà con trong mô hình biết giúp các bà con ngoài mô hình chia sẻ thành công hạ phèn, giải độc cho đất giúp lúa phát triển tốt để cùng nhau phát triển.
Cùng với đó Cty CP Phân bón Bình Điền cũng đã cung cấp, hỗ trợ phân Đầu trâu Mặn - Phèn cho nông dân cả trong và ngoài mô hình để bón, đến nay kết quả ruộng lúa bên ngoài mô hình cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt kịp với ruộng lúa trong mô hình.
Mặc dù chưa có kết quả thực tế ở các mô hình trong vụ HT năm nay, tuy nhiên từ những kết quả bước đầu đã đạt được cho thấy trước mắt về sức chịu mặn, phèn và chịu hạn cao của mô hình, sẽ hứa hẹn một mùa lúa đạt năng suất và chất lượng rất cao. |