Hiệu quả từ mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS

Hiệu quả từ mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS
Mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS đã giúp nông dân sản xuất rau an toàn nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng và ổn định “đầu ra”.
 
Chăm sóc rau an toàn ở phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai).

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng đối với rau an toàn, năm 2017, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai 20 mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS (Participatory Guarantee system). Đây là hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: Người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra bảo đảm phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng... tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích 1.138,7ha. Trong đó, 11 xã, phường có diện tích canh tác từ 50ha trở lên. Mỗi điểm mô hình PGS đều tiến hành phân nhóm, tổ sản xuất rau an toàn tự quản, trung bình từ 10 đến 120 hộ/nhóm, các nhóm hoạt động kiểm soát chéo nhau.

Hiệu quả rõ rệt từ việc thực hiện mô hình PGS là nông dân thay đổi tập quán canh tác, sản xuất ra sản phẩm rau an toàn, từ đó xây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng. Số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng từ 112 doanh nghiệp lên 208 doanh nghiệp; số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15 tấn/ngày tăng lên hơn 42 tấn/ngày. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) chia sẻ: Mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS đã giúp chúng tôi giải được bài toán về "đầu ra" sản phẩm và biến động giá cả thị trường. Xã viên hợp tác xã đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chăm sóc rau an toàn. Từ đó, niềm tin của các doanh nghiệp về “đầu vào” và chất lượng sản phẩm tăng lên. Có sản phẩm chất lượng, nguồn hàng ổn định, nông dân không phải lo “đầu ra” hay tình trạng “được mùa - mất giá”; số doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua sản phẩm của hợp tác xã tăng từ 5 lên 10 doanh nghiệp; sản lượng từ 2 tấn tăng lên 10 tấn/ngày. Thậm chí, hợp tác xã đã tìm được đối tác và tự đứng ra xuất khẩu sản phẩm rau an toàn sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, để các sản phẩm của mô hình chuỗi PGS bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy trình sản xuất, phát hiện kịp thời những tồn tại, vi phạm để tìm giải pháp khắc phục. Năm 2017, Chi cục đã lấy tổng số 444 mẫu rau tại 20 mô hình để đánh giá chất lượng sản phẩm, qua đó, phát hiện 2 mẫu vượt mức giới hạn tối đa cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Bên cạnh những mặt đạt được, trong hoạt động triển khai chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS còn hạn chế, như: Thiếu các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi, đặc biệt trong khâu hỗ trợ tiêu thụ, bảo quản sản phẩm, vận chuyển sản phẩm đông lạnh... nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia; chưa có quy định về thông tin (tem, mã...) đối với thực phẩm tươi sống bán lẻ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ dẫn đến cạnh tranh không công bằng và người tiêu dùng khó phân biệt...

Để mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Duy Hồng đề nghị Sở NN&PTNT đề xuất với thành phố ban hành chính sách khuyến khích phát triển chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; ban hành quy định tạm thời về thông tin (tem, mã...) đối với thực phẩm tươi sống bán lẻ; đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản; chỉ đạo các huyện, xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm... tiến tới cung cấp sản phẩm rau an toàn theo nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô.
Theo Trung Nguyên/Báo HNM.vn