Hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau
- Thứ sáu - 31/08/2018 18:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về thăm xã Anh hùng Hồ Thị Kỷ trong những ngày Tháng Tám lịch sử, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, đây là một trong hai xã của huyện được tỉnh Cà Mau chọn chỉ đạo điểm "về đích" NTM vào cuối năm 2018.
Xe thong dong qua tuyến đường NTM rộng 2,5 m trên địa phận Ðường Ðào - ấp có đông đồng bào Khmer nhất của xã Hồ Thị Kỷ, ông Lâm giới thiệu cho chúng tôi về những căn nhà mới xây, với cổng rào khang trang, thầm khoe cuộc sống đủ đầy của người dân sở tại. Thành quả bước đầu ấy, có được một phần là nhờ đầu tư chất xám để chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giúp người dân cải thiện, nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất. Hai năm gần đây, gia đình ông Quách Duy Út (ấp Ðường Ðào) thực hiện thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, tổng thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, gia đình ông Út có tiền làm cổng rào khang trang, góp sức cùng Nhà nước hoàn thiện con đường NTM theo suốt chiều dài của ấp Ðường Ðào. Nhìn xe bon bon trên đường quê, ông Út tự hào: "Nông dân trong ấp hưởng lợi nhiều bởi giờ đây, thương lái chạy xe đến tận nhà mua nông sản chứ không phải đi bằng xuồng như trước. Con cá, con tôm của người dân quê muốn bán lúc nào cũng có người mua".
Là vùng căn cứ cách mạng, chịu nhiều "tổn thương" do chiến tranh để lại, nhưng hiện tại, xã Hồ Thị Kỷ đã đạt được 14 trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Có được kết quả nêu trên, cũng như nhiều xã khác của huyện Thới Bình, ngay từ khi "bắt tay" vào xây dựng NTM, Ðảng bộ và chính quyền xã Hồ Thị Kỷ xác định chủ thể của NTM là nhân dân, thực hiện theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ". Các nguồn lực đầu tư đã được minh bạch, công khai, người dân được tham gia góp ý kiến vào quy hoạch, kể cả trực tiếp giám sát các dự án đầu tư cơ bản. Cách làm minh bạch ấy đã tạo lòng tin vững chắc để nhân dân góp sức, góp của cùng chính quyền xây dựng NTM.
Trong lộ trình xây dựng NTM của UBND tỉnh Cà Mau, đến năm 2020, Thới Bình sẽ là huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Ðây là vinh dự, trách nhiệm lớn lao, nhưng cũng là cơ hội để kinh tế - xã hội huyện Thới Bình bứt phá. Xác định rõ tầm quan trọng ấy, cho nên Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM phù hợp cho từng giai đoạn, có kế hoạch cụ thể từng năm, làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện. Từ kế hoạch cụ thể từng năm, các địa phương trong huyện tổ chức lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án gắn với huy động nguồn lực tại chỗ; chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân. "Hiểu rõ xây dựng NTM vì lợi ích của người dân cho nên bà con tình nguyện hiến đất, góp công, góp của, chung sức thực hiện các tiêu chí theo chuẩn NTM. Từ năm 2011 đến tháng 6-2018 vừa qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM của huyện là hơn 2.832 tỷ đồng, nhưng có gần 34% là vốn đóng góp tự nguyện từ nhân dân" - ông Nguyễn Hoàng Lâm cho biết.
Là địa phương thuần nông nên sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong xây dựng NTM, nhất là thực hiện tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn NTM. Ðể cải thiện tình hình, huyện Thới Bình tập trung xây dựng mô hình ở vùng độc canh cây lúa, cây mía kém hiệu quả, gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Ðến nay, huyện đã xây dựng và thực hiện được hơn 1.000 ha mô hình cánh đồng lớn về trồng lúa và trồng lúa kết hợp nuôi tôm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết, nhờ thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi sản xuất cho nên đến cuối năm 2017 vừa qua, thu nhập bình quân của huyện đạt 35,39 triệu đồng/người/năm, tăng hơn hai lần so thời điểm năm 2011; hộ nghèo từ 8,51% (năm 2011) giảm còn 1,82% vào cuối năm 2015. Khi có chuẩn hộ nghèo mới vào năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Thới Bình tăng lên 7,94%, nhưng đến cuối năm 2017 giảm còn 4,26%.
Sau bảy năm xây dựng NTM, cuối năm 2017 vừa qua, Thới Bình có 5 trong tổng số 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trở thành huyện có nhiều xã NTM nhất của tỉnh Cà Mau. Trong năm 2018 này, huyện Thới Bình phấn đấu có thêm bốn xã "về đích" NTM, gồm: Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc Bắc, Biển Bạch, Tân Lộc Ðông.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thới Bình tiếp tục phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài để hoàn thiện các "tiêu chí cứng". Cùng với đó, Thới Bình đang xúc tiến liên kết "bốn nhà" để đầu tư, mở rộng vùng trồng lúa đặc sản, lúa hữu cơ lên hơn 1.500 ha ở vùng lúa-tôm và thực hiện hoàn thiện đề án xây dựng thương hiệu "lúa sạch Thới Bình", quy mô hơn 10 nghìn ha ở các vùng nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa… Trong tương lai, nông sản ở các vùng sản xuất tập trung sẽ được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra với giá cả ổn định. "Ðây là tiền đề mấu chốt để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, cải thiện thu nhập, chung tay với chính quyền xây dựng NTM, từng bước hoàn thành các tiêu chí còn lại ở các xã để được công nhận huyện NTM vào năm 2020" - ông Lý Minh Vững cho biết.
Theo Hữu Tùng/Báo Nhân Dân.vn