Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở Nam Đàn
- Thứ bảy - 18/02/2017 22:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn diện nhưng chưa đột phá
Đánh giá sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới huyện Nam Đàn giai đoạn 2010 – 2020 và các nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa cho thấy sản xuất nông nghiệp của địa phương này phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Xã Khánh Sơn có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 850 ha với diện tích trồng lúa khoảng 450 ha, còn lại là các diện tích trồng màu, ngô, lạc. Những năm gần đây, nông nghiệp của địa phương chứng kiến sự chuyển dịch hiệu quả theo hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhất là đối với cây ngô.
Từ năm 2014 đến nay, trên diện tích đất bãi bồi ven sông Lam, nhân dân xã Khánh Sơn trồng ngô song do thời gian chăm sóc đến thu hoạch kéo dài, đầu ra không ổn định nên thu nhập từ cây ngô không cao. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, địa phương đã trồng ngô hàng hóa trên diện tích khoảng 100 ha đất bãi để cung cấp cho doanh nghiệp nuôi bò sữa trong và ngoài tỉnh nên thu nhập tăng lên.
Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn, ông Tô Bá Thắng cho biết: “Do trồng ngô bán cho doanh nghiệp nuôi bò sữa thời gian thu hoạch ngắn hơn nên mỗi năm làm được 2 vụ, giá trị sản xuất trên mỗi diện tích trồng ngô tăng gấp 2 lần, bình quân thu 1,5 - 1,6 triệu đồng/sào/vụ sản xuất”.
Ngoài cây ngô, năm nay, Khánh Sơn cũng đang phối hợp với Khuyến nông huyện và Công ty Giống cây trồng Bắc miền Trung sản xuất trên 5 ha giống lạc TK10 theo hình thức liên kết sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Mô hình nay đang mở ra hướng phát triển mới với cây lạc, vốn là cây trồng truyền thống của địa phương này song lâu nay vẫn gặp khó khăn về đầu ra.
Trồng hoa thiên lý trên đồng ở HTX Nam Xuân, xã Nam Xuân. Ảnh Thành Duy |
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp trong hơn 5 năm qua đã có nhiều chuyển biến theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa trên đơn vị diện tích; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng nhanh; nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có hiệu quả.
Chăn nuôi phát triển đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ sang chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, hình thành một số trang trại lớn sản xuất theo chuỗi. Kinh tế trang trại phát triển nhanh về quy mô và chất lượng; đến tháng 10/2016, tổng số trang trại và loại hình như trang trại là 803 cơ sở, trong đó có 46 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT.
Mặc dù đạt được những kết quả toàn diện, song ngành Nông nghiệp của Nam Đàn vẫn chưa tạo được đột phá.
Tổng diện tích có giá trị sản xuất đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm là 10.774 ha, chiếm 88,1% tổng diện tích đất SXNN, trong đó, diện tích có giá trị sản xuất trên 75 triệu đồng/ha/năm là 5.676 ha, chiếm 46,3%; diện tích có giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha/năm là 2.149 ha, chiếm 17,3%, tăng 1.735 ha. Có 88 cánh đồng với quy mô từ 3 - 5ha và 45 cánh đồng có quy mô trên 5 ha cho thu nhập cao.
Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện Nam Đàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020, có tính đến năm 2025, UBND huyện Nam Đàn đã ban hành Kế hoạch phát triển cây, con chủ lực trên địa bàn huyện, theo đó, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên các sản phẩm chủ lực của huyện.
Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, địa phương này xác định các sản phẩm chủ lực gồm lúa, ngô, lạc, rau và các sản phẩm thế mạnh như chanh, hồng, sắn dây, đậu tương Nam Đàn. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng, Nam Đàn yêu cầu mỗi xã lựa chọn 1 – 2 cây trồng chủ lực để ưu tiên đầu tư phát triển nhằm phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền.
Đơn cử trên đất màu đồng với tổng diện tích 1.916 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Nam Anh, Nam Xuân, Xuân Hòa, Hùng Tiến, Nam Lĩnh, Hồng Long, Kim Liên, Vân Diên, Nam Nghĩa, Nam Thanh…, đây được coi là những vùng đất thuận lợi trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và là vùng chủ lực để đầu tư thâm canh cho thu nhập 100 triệu đồng/ha.
Do đó, cơ cấu cây trồng trên chân đất này mặc dù khá đa dạng nhưng huyện cần xác định tập trung vào các cây trồng chủ lực là rau chuyên canh, lạc xen ngô lấy hạt và ngô nếp, hoa. Tại xã Nam Xuân, HTX Nam Xuân Xanh là một trong những đơn vị mạnh dạn đi đầu phát triển theo hướng này.
Bình quân mỗi ha từ 120 -140 triệu đồng, rau hàng hóa đang mở ra cơ hội mới cho người nông dân làm giàu ngay trên đồng ruộng của mình. (Ảnh tư liệu) |
Thành lập tháng 4/2016 với diện tích sản xuất 1,4 ha, HTX này đã triển khai đầu tư trồng các loại bắp cải, su hào, súp lơ sản xuất theo hướng sạch vụ đầu tiên. Chất lượng giống đảm bảo và quy trình chăm sóc tốt nên các loại súp lơ, su hào của HTX được thị trường ưa chuộng mặc dù có giá bán cao hơn.
Vừa qua, HTX đã đăng ký thành viên chuỗi bao tiêu sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh với 2 sản phẩm chủ lực là hoa lý, bí xanh và hiện nay đã trồng được 8 sào hoa lý. Cùng với đó, HTX đang đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới phun mưa để đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Ông Võ Văn Danh – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân và cũng là một trong những thành viên sáng lập HTX cho biết: HTX hướng đến sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa và làm mô hình trình diễn để thu hút thêm thành viên cũng như liên kết sản xuất nông dân trong cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn vốn và quỹ đất của HTX còn chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, huyện còn tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng lợi thế như chanh, cam, bưởi, hồng, nghệ, hành tăm tại các xã bán sơn địa. Tương tự, trong lĩnh vực chăn nuôi, Nam Đàn đã chỉ rõ từng địa phương phát triển giống con nào cho phù hợp.
Nam Đàn cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có có từ 70 – 80 trang trại đạt tiêu chí theo quy định; đặc biệt là ưu tiên phát triển các trang trại tổng hợp gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và dịch vụ ẩm thực, hình thành các chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn tại các vùng có điều kiện như Nam Hưng, Nam Nghĩa, Nam Thanh, Nam Xuân, Nam Anh, Nam Kim.
Có thể thấy, hướng đi của ngành Nông nghiệp Nam Đàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương này. Điều này cũng phù hợp với định hướng được chỉ ra trong chuyến làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cùng đoàn công tác của tỉnh với Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn vào tháng 1/2017, đó là Nam Đàn nên định hình hướng phát triển theo thứ tự ưu tiên, trước hết là cơ cấu lại nền kinh tế mà trọng tâm là ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phục vụ thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh phát triển du lịch, dịch vụ; thu hút đầu tư về công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động, công nghiệp công nghệ cao, điện tử.
Nam Đàn phấn đấu đến năm 2020 có 90% diện tích đất trồng cây hàng năm đạt giá trị sản xuất tối thiểu 75 triệu đồng/ha/năm; trong đó, có 70 - 75% diện tích đất trồng cây hàng năm đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Mỗi xã phải có ít nhất 1 mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, ưu tiên mô hình trong ngành trồng trọt.