Hòa Bình: Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông mới
- Thứ bảy - 28/04/2018 19:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rau su su ở Hòa Bình góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến thăm gia đình anh Bạch Xuân Mới ở thôn Lộc Môn, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), nhìn vườn bưởi diễn, chanh đào sum suê trĩu quả, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, có ai ngờ khu vườn khu vườn rộng 6.500 m2 này cách đây vài năm chỉ là khu vườn tạp, trồng những cây bản địa không có giá trị kinh tế như quất, hồng bì, ổi, tre, chỉ đủ tự cung tự cấp cây trái cho gia đình.
Mô hình cải tạo vườn tạp thành công của gia đình Bạch Xuân Mới nhanh chóng có sức lan tỏa trong thôn, hơn 30 ha đất vườn của các gia đình trong thôn giờ đây chuyên canh bưởi diễn cho thu nhập khá, cả thôn không còn hộ nghèo. Nhờ vậy mà người dân trong thôn có tiền đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn bằng bê tông, giao thương thuận lợi.
Phong trào cải tạo vườn tạp ở Lương Sơn từ tự phát dần chuyển sang tự giác, nông dân đã trồng được hàng nghìn hecta cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao. Song, theo thống kê, toàn huyện Lương Sơn hiện còn 1.836 ha diện tích đất vườn tạp. Hệ cây trồng trong khu vườn tạp chiếm phần lớn là các loại cây lâu năm do các hộ tự tìm kiếm để trồng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả kinh tế không cao, năng xuất thấp.
Để tiếp sức cho người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất vườn, tạo giá trị kinh tế từ vườn đồi, năm 2018 huyện triển khai thực hiện đề án “Cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng nông thôn mới”, mà trước hết là việc xây dựng mô hình điểm về cải tạo vườn tạp tại 4 xã trong huyện là Cao Răm, Liên Sơn, Cư Yên và Cao Dương.
Ông Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết, hiện tại, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã vận động 104 hộ đăng ký tham gia thực hiện mô hình, cải tạo 41,4 ha vườn tạp và đã trồng được 35,1 ha cây trồng. Kinh phí thực hiện mô hình là trên 2,2 tỷ đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ về vật tư, cây giống trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, còn lại nhân dân đóng góp trên 930 triệu đồng. Việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, của huyện; gắn với thị trường tiêu thụ.
Theo N.Sinh/Báo Đại Đoàn Kết.vn