Hoài Đức xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế
- Thứ năm - 06/11/2014 02:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những kết quả đạt được
Hoài Đức nằm ở phía tây TP Hà Nội, số dân khoảng 210 nghìn người. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã không ngừng nỗ lực vượt khó, vươn lên. Bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày. Hạ tầng KT-XH được đầu tư mới, cải tạo nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Đến nay, cơ cấu kinh tế phát triển mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 178 tỷ đồng (trồng trọt đạt 85 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 93 tỷ đồng), tăng cao so với cùng kỳ năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người đạt 32,1 triệu đồng/người/năm, gấp 5,2 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,37% xuống còn 1,6%.
Đạt được kết quả nêu trên là do sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành và sự hưởng ứng của nhân dân. UBND TP Hà Nội đã công nhận Yên Sở và ba xã Kim Chung, An Khánh, Đông La đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2015. Riêng Yên Sở có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong 50 xã đạt chuẩn NTM của thành phố và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa của xã được đầu tư, chỉnh trang.
Đời sống nhân dân cải thiện đáng kể. Ngoài ra, địa phương còn trích nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ người chăn nuôi tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, hết năm 2014 sẽ thêm các xã Minh Khai, Di Trạch, La Phù, Vân Canh, Đức Giang, Đức Thượng “cán đích”.
Với nhiệm vụ trọng tâm xây dựng NTM hiệu quả gắn với phát triển kinh tế, huyện đang xúc tiến việc lập quy hoạch trồng trọt vùng bãi để từ đó tạo ra những vùng cây trồng đạt năng suất cao như: bưởi đường tại xã Cát Quế, Đông La; cam canh ở Đắc Sở, Yên Sở; nhãn chín muộn tại Song Phương, An Thượng, Đông La; sản xuất rau an toàn ở Tiên Yên, Vân Côn… Các ngành, đoàn thể của huyện, Ban chỉ đạo các xã chủ động triển khai các nội dung của chương trình, trong đó chú trọng tập huấn, nâng cao kiến thức KH-KT giúp nhân dân làm kinh tế giỏi. Tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cho vay vốn phát triển sản xuất, cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và VSMT, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn tại các địa bàn.
Thời gian qua, Trung tâm dạy nghề huyện đã tổ chức một số lớp học sơ cấp nghề cho 250 học viên về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, trồng nấm, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện để các làng nghề truyền thống trong huyện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước củng cố thương hiệu sản phẩm thông qua việc xây dựng nhãn hiệu tập thể làng nghề. Một số nơi không chỉ có chỗ đứng trên thị trường mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, dệt kim, bánh kẹo La Phù, chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu...
Còn nhiều việc phải tháo gỡ
Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Hiến cho biết, nhờ sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và người dân, nông thôn Hoài Đức đã có bước chuyển mình rõ rệt, song muốn hòan thành mục tiêu đề ra thì nhiều việc cần phải tháo gỡ. Nguồn lực xây dựng NTM còn khó khăn, nhất là nguồn vốn từ ngân sách, vì vậy tiến độ triển khai các dự án vẫn chậm. Các xã của huyện nằm trong Quy hoạch phát triển đô thị trung tâm, các quy hoạch phân khu của thành phố hầu như chỉ trông chờ vào cây lúa, do vậy hiệu quả kinh tế thấp. Chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã vùng đồng giảm. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu…
Nguyên nhân là do: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở khi thực hiện chương trình nhận thức chưa đồng bộ, chưa tập trung chỉ đạo rốt ráo đầu tư kinh phí thực hiện nhóm tiêu chí: phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ ở các HTX nông nghiệp chưa tốt, cho nên thành quả đạt được chưa thật sự bền vững. Cán bộ làm công tác này từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm, chưa đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu các văn bản chuyên môn, do vậy khi triển khai đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí thiếu sự thống nhất, nhất là giữa thôn với xã. Bên cạnh đó, một số tiêu chí chưa sát thực tế, cần nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Để khắc phục những hạn chế, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Đức, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích thiết thực xây dựng NTM. Thực hiện tốt việc đa dạng hóa việc huy động nguồn lực theo nhiều hình thức: tiếp tục đóng góp công sức, tiền, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nguồn gien của các giống cây ăn quả chất lượng cao, để nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả hơn. Nếu làm được thì đến năm 2018 Hoài Đức cơ bản sẽ là huyện NTM của thành phố.
Theo nhandan.com.vn