Hoàng Anh Gia Lai là công ty đại chúng nhưng lại quản trị kiểu gia đình
- Thứ tư - 01/06/2016 21:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ phương án cứu Bầu Đức đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng đứng từ phía xã hội, bản thân NHNN muốn lĩnh vực mình quản lý sẽ không có những biến động gây xáo trộn ảnh hưởng xấu tới các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhưng với vai trò cơ quan quản lý NHNN cũng buộc phải tạo được minh bạnh trong cách hành xử của mình.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Theo ông, trường hợp HAGL của Bầu Đức có nên cứu không?
Đối với HAGL chưa nên bàn cứu hay không nên cứu. Mà chúng ta nên bàn tới việc NHNN sẽ cứu một vài doanh nghiệp. Chúng ta phải xem rằng NHNN có đồng ý với nhận thức này không. Sau đó bàn tới chuyện có 1 bộ tiêu chí để cứu hay không một doanh nghiệp. Hiện nay chưa có bộ tiêu chí này.
Nên trong thời gian này nói cứu hay không cứu HAGL giống thầy bói xem voi, người xem cái vòi, người xem cái chân, sẽ không nhìn được cả con voi. Mà chúng ta phải hình dung được cả con voi thì mới nói chuyện đến chuyện này được.
Các chủ nợ cho rằng việc HAGL lâm vào tình trạng này là do thị trường. Quan điểm của ông thì sao?
Báo cáo quý I.2016 của HAGL cho thấy có 3 nhóm vấn đề nổi lên. Thứ nhất, tổ chức bộ máy của HAGL là môt tập đoàn kinh tế tư nhân với gần 40 công ty con hoạt động trong nhiều vực với tổ chức rất phức tạp, lập nên một ma trận về định danh sở hữu vốn.
Thứ hai, báo cáo tài chính cho thấy phát sinh nợ đến kỳ phải trả, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Tình hình tài chính của công ty không thực hiện theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường.
Việc HAGL đang nợ hơn 30.000 tỷ đồng mà lại có 10.000 tỷ đồng mang về cho vay lại ở các công ty con. Cá nhân Bầu Đức nợ 70.000 tỷ đồng cho thấy sự không minh bạch, không phải là một doanh nghiệp tư nhân mở theo xu hướng kinh tế thị trường. Đây giống như một công ty gia đình.
Rõ ràng mô hình là đại chúng, nhưng quản trị lại như gia đình, cho vay chủ yếu là tín chấp không có tài sản đảm bảo hoặc lấy tài sản của Bầu Đức để đi vay. Chủ công ty lại đem tài sản ở công ty đấy thế chấp để cho một công ty con thế chấp mua lại chính công ty của mình.
Thứ ba, vấn đề về quản trị nguồn vốn vay, tư vấn, giảm sát nguồn vốn vay để không chuyển nợ tốt thành nợ xấu của chủ nợ của HAGL vay có vấn đề.
Nói như vậy, trường hợp Bầu Đức chúng ta không nên cứu vì sự thiếu chuyên nghiệp của cả doanh nghiệp và chủ nợ là ngân hàng?
Không nên nói hoạt động cho vay thiếu chuyên nghiệp mà có thể nói là sơ sảy, không quan tâm đúng mức về tính thanh khoản của nguồn vốn vay. Như tôi nói ban đầu, cứu doanh nghiệp thì phải có bộ tiêu chí và khoản nợ nào nên cứu. NHNN đang phải làm việc này và khó hoàn thành trong ngày một ngày hai.
Khoản cho vay ở Myanma thu lợi tốt, cân nhắc xem thu lợi ở đây bao lâu có thể bù đắp được. Đây cũng có điểm tựa để HAGL xin cơ cấu nợ.
Rà soát lại các sản phẩm đầu tư gây lỗ vốn của HAGL, xem liệu có đảm bảo hiệu quả không (bò, cao su…), cần bóc tách ra, xử lý. Phải có cái nhìn từ ba phía HAGL, cơ quan quản lý và xã hội. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải đứng trên vị trí của các ngân hàng, vừa đại diện cho quyền lợi của cả xã hội trong vấn đề này.
Xin cám ơn ông!
Theo: Danviet.vn