Hoàng Su Phì: XDNTM từ phát triển các sản phẩm đặc trưng

Hoàng Su Phì: XDNTM từ phát triển các sản phẩm đặc trưng
Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, sự chung tay góp sức của người dân, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng...
...

Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, sự chung tay góp sức của người dân, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, cho biết, đẩy mạnh thực hiện Chương trình XDNTM, Hoàng Su Phì triển khai nhiều giải pháp, ưu tiên bố trí các nguồn lực gắn với phát huy nội lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí. Các xã, thị trấn triển khai xây dựng thôn tiêu biểu gắn với xây dựng thôn kiểu mẫu; duy trì, nhân rộng mô hình kinh tế bền vững gắn với XDNTM của các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp xã và của các cơ quan phụ trách xã. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về XDNTM được huyện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Nhờ vậy, nhận thức của người dân trong việc làm chủ XDNTM được thể hiện rõ, đã huy động sức mạnh nội lực của toàn dân hưởng ứng tham gia.

Hoàng Su Phì đã có xã Thông Nguyên đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Đến cuối năm 2017, xã Nậm Ty hoàn thành 19/19 tiêu chí. Ngoài ra, có 2 xã đạt 10-14 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 5-9 tiêu chí. Trong năm 2017, toàn huyện đã xây dựng được 317 nhà tắm, 220 nhà vệ sinh, 377 bể nước, láng bó 161 nền nhà, di dời 357 chuồng gia súc ra xa nhà. Ngoài ra, cán bộ và nhân dân các xã đã hiến 51.342m2 đất, đóng góp trên 51.692 ngày công, thực hiện nâng cấp 74,172km đường giao thông nông thôn.

Theo ông Minh, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nhân dân, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong Chương trình XDNTM, nhất là đối với huyện vùng cao còn muôn vàn khó khăn như Hoàng Su Phì. Chính vì vậy, huyện tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng ít nhất một sản phẩm đặc trưng, đồng thời tăng cường triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, giúp người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi như hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho đàn bò sinh sản; chăn nuôi gà bố mẹ; xây dựng biển chỉ dẫn cho các diện tích chứng nhận chè hữu cơ, VietGAP,... Hiện, Hoàng Su Phì đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, nổi tiếng, có lợi thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường như: Thảo quả xã Túng Sán, chè cao cấp xã Thông Nguyên, Mận máu xã Chiến Phố, quẩy tấu xã Thèn Chu Phìn, dược liệu Nậm Ty, lê xã Thàng Tín, mật ong xã Nam Sơn, rượu thóc xã Nàng Đôn, đậu tương xã Pố Lồ, du lịch Homestay xã Bản Luốc…

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn năm 2017 ước đạt 88,9 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 326 tỷ đồng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên năm 2017 huyện giảm được 6,77% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 53,19% giảm xuống còn 46,42%.

Dù vậy, ông Minh cho biết, đến thời điểm này Hoàng Su Phì vẫn là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tài nguyên thiên nhiên hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, công tác chuyển giao khoa học công nghệ còn gặp khó khăn, một bộ phận nhân dân vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Để từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, huyện Hoàng Su Phì sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa gắn với việc ổn định diện tích gieo trồng; thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét cho gia súc. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và các tổ chức khác kết hợp với huy động nội lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với quy hoạch xây dựng các khu du lịch, khu dân cư tập trung. Tiếp tục rà soát, lựa chọn các công trình hạ tầng thiết yếu để ưu tiên hỗ trợ đầu tư vốn cho Chương trình XDNTM, giảm nghèo bền vững...

Theo Kiều Thuỷ/Báo KTNT.vn